Ngành du lịch Sóc Trăng - Khát vọng hậu Covid-19
Những quyết sách của tỉnh…
Sóc Trăng không chỉ là vùng đất giàu “tài nguyên” về di tích lịch sử văn hóa mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hiếm có. Đến với Sóc Trăng, du khách sẽ bị chìm đắm trong không gian văn hóa Kinh - Khmer - Hoa, với các ngôi chùa, cơ sở thờ tự tôn giáo đẹp lung linh, sắc sảo được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh và đã tồn tại hàng trăm năm tuổi như: chùa Mahatup, chùa Sro Lôn, chùa Đất Sét, chùa Kh’leang... Đây cũng là mảnh đất của lễ hội với nhiều sự kiện được tổ chức tưng bừng hàng năm như: Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, Lễ hội Nghinh Ông, Chrôy Rum Chếk (Phước Biển), Thắk Kôn (cúng dừa), Nghệ thuật sân khấu Dù kê, Rô băm... Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đó đã tạo nên những ấn tượng khó quên với bất kỳ ai dù chỉ một lần đến với Sóc Trăng.
Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo diễn ra hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thạch Pích
Ngày 2-8-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển du lịch gắn với quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa và con người Sóc Trăng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Trên nền tảng đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch phù hợp, khả thi cho giai đoạn 2020 - 2025.
Đồng chí Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho rằng: “Đây là cơ sở cho việc lập các dự án đầu tư, quản lý khai thác hợp lý và có hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, mục tiêu hướng đến năm 2035, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND, ngày 1-4-2020 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh năm 2020. Đề án này là cơ sở để lãnh đạo tỉnh có kế hoạch định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.
… đến khát vọng ngành du lịch
Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Sóc Trăng được triển khai thực hiện với các loại hình du lịch cộng đồng đã hình thành và từng bước phát triển như: Cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú; Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách; Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung. Hạ tầng du lịch đã được tập trung đầu tư vào các hạng mục trọng yếu, có tính chất động lực, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển và tạo đà cho ngành du lịch tăng trưởng trong thời gian tới.
Du khách được trải nghiệm đi cầu tre xuyên rừng ngập mặn Cù Lao Dung (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thạch Pích
Từng có dịp đến với Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung, chúng tôi được hòa mình và khám phá thiên nhiên khi vào rừng ngập mặn với các hoạt động thú vị như: đi cầu xuyên rừng trải nghiệm sinh thái rừng ngập mặn bắt ốc len, vọp, câu cua. Đi tàu ra bãi bồi tham quan bãi nghêu trên cửa biển Trần Đề, khám phá hệ sinh thái rừng bần ngập mặn và thưởng thức các loại trái cây mang hương vị đặc trưng của thổ nhưỡng vùng đất cù lao. Không chỉ thế, du khách sẽ giao lưu đờn ca tài tử, tham gia các trò chơi sôi động và thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương…
Theo Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm của đề án này nhấn mạnh, mục tiêu là xây dựng định hướng và giải pháp phù hợp để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn năm 2035 tương xứng vị thế, tiềm năng và hiện thực hóa sự kỳ vọng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và du lịch cả nước.
Hướng phục hồi du lịch hậu Covid-19
Suốt 2 năm qua là quãng thời gian khó khăn chồng chất đối với những người làm du lịch cả nước nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng do “làn sóng” dịch Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, trong đó, việc phục hồi ngành du lịch là điều cần thiết, vì đây là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Là một chủ Farmstay Sân Tiên, thuộc xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, ông Trần Quang Cần chia sẻ: “Để có được điểm đến du lịch Sân Tiên như ngày hôm nay, chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ nhiệt tình của các cấp ban ngành, địa phương giúp đỡ kinh phí xây dựng nhà vườn, đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện có chuyến đi du lịch học hỏi kinh nghiệm… Sắp tới, chúng tôi chuẩn bị sửa chữa, tái tạo nâng cấp cầu xuyên rừng; sơn phết ghe, xuồng, bố trí cây cảnh... để tiếp tục phục vụ du khách đến tham quan hậu Covid-19”.
Tại cuộc hội thảo Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng”, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) Trần Văn Nguyên bày tỏ: “Hiện nay, huyện đang mở rộng đầu tư một số tuyến đường trọng điểm để kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó có phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái... Huyện cũng xây dựng kế hoạch lộ trình đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng các em có năng khiếu, những hộ làm kinh tế du lịch gắn với kinh tế vườn như: mô hình homstay, farmstay… để phục vụ du lịch khi khách đến tham quan, giới thiệu về tiềm năng, đất nước con người và địa danh Cù Lao Dung…”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho biết thêm: “Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ của các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp để giới thiệu cho khách du lịch, công ty lữ hành tại các sự kiện du lịch trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Đón xuân mới với niềm hy vọng tình hình dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát để ngành du lịch Sóc Trăng có điều kiện phối hợp với các ngành, các cấp và các doanh nghiệp triển khai kịp thời, có biện pháp hiệu quả để phục hồi, xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái, các điểm du lịch cộng đồng theo hướng “du lịch xanh”. Với nét độc đáo, khác biệt, thú vị, hấp dẫn du khách với không gian sinh thái, văn hóa miệt vườn, rừng ngập mặn ven biển... du lịch Sóc Trăng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thạch Pích