Nghề nặn tượng ông táo ở Huế
Những ngày cuối năm, cả làng Địa Linh ai cũng tất bật để đảm bảo có hàng kịp phục vụ khách đặt hàng trong dịp Tết cổ truyền.
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, Tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc của mỗi gia đình. Với người dân xứ Huế, bộ ba tượng ông Táo mỗi năm đều được người dân thay lên bàn thờ ông Táo một cách trang trọng để cầu mong một năm mới may mắn và an khang. Những ngày này, tại làng Địa Linh, các gia đình làm nghề nặn tượng ông Táo đang tất bật để cho ra sản phẩm đúng dịp đưa ông Táo về trời.
“Một năm gia đình làm khoảng 60.000 ông, thong thả là mấy tháng đầu, rộn ràng nhất từ tháng 9 trở lên. Ông Táo có 3 loại, táo quân với cộng thêm ông táo to mà họ thờ trên bếp” - bà Lê Thị Vấn, người làm nghề ông Táo lâu năm cho biết.
Để làm một tượng ông Táo hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua một quá trình chọn đất, nhồi nặn công phu mới ra được sản phẩm đúng chuẩn. Đất làm tượng phải là loại đất sét vàng, được chọn một cách kỹ lưỡng, ít tạp chất. Khuôn đúc phải làm từ gỗ lim, được đục chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Khi làm, người thợ cho đất sét vàng vào khuôn và ép thật chặt để tượng không biến dạng.
Tượng sau khi lấy ra khỏi khuôn được đem phơi nắng đến khô, mới cho vào lò nung. Sản phẩm sau khi nung có màu vàng nhạt đặc trưng của đất sét, sau đó tượng ông Táo được tô thêm lớp sơn màu hồng hoặc đỏ, rồi thêm bột kim tuyến óng ánh bắt mắt để phù hợp với thị hiếu của người mua.
Ông Võ Văn Nhật, người có thâm niên làm tượng hơn 40 năm ở làng Địa Linh cho biết, nghề này vất vả nhưng thu nhập không nhiều nên mai một dần, tuy nhiên là nghề truyền thống gia đình nên ông cố gìn giữ.
Theo tục lệ cổ truyền, Táo Quân, vị thần trong coi bếp núc sẽ cưỡi cá chép bay về trời vào ngày 23 tháng Chạp báo lại mọi việc xảy ra trong trong năm qua. Để bày tỏ lòng thành, các gia đình sẽ làm một mâm cơm tiễn ông Táo về trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy.
“Người thờ bếp cũng như người dân làng Địa Linh nặn ra những ông Táo biểu tượng này đều thể hiện một ước vọng đổi mới. Đầu năm chúng ta đặt trân trọng 3 ông Táo này bằng một nền đất sét nung được sơn phết kỹ lên bếp làm nó rực rỡ nơi không gian thờ tự. Đó là một phong tục tốt đẹp, giữ bếp cho tốt đẹp cũng là giữ ánh lửa ấm nóng hạnh phúc trong môi trường sinh hoạt của một gia đình” - nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nói./.
Lê Hiếu