Tục giã bánh giày trong ngày tết người Mông ở Điện Biên
Những ngày này, khắp các bản người Mông trên địa bàn huyện Tuần Giáo, Điện Biên lại rộn vang tiếng chày, tiếng cối giã bánh giày đón năm mới. Nếu như bánh chưng xanh, bánh gù... là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người Kinh, người Thái thì bánh giày được xem là “linh hồn” trong ngày tết của người Mông. Ðặc biệt, bánh giày không đơn thuần là món ăn mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của các thế hệ người Mông.
Người Mông huyện Tuần Giáo tham gia giã bánh giày tại Hội chợ Nông sản huyện.
Theo tiếng Mông, bánh giày có tên là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Trong ngày tết cổ truyền, người Mông trong tỉnh nói chung, đồng bào Mông sinh sống ở Tuần Giáo nói riêng vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất riêng, trong đó phải kể đến tục làm bánh giày ngày tết. Bánh giày không chỉ được làm trong các gia đình mà hiện nay ở Tuần Giáo còn tổ chức cuộc thi giã bánh giày giữa các bản, các xã trong những dịp lễ hội hoặc tết cổ truyền. Chị Vàng Thị Sua, bản Lồng (xã Tỏa Tình) chia sẻ: “Với người Mông, trong mâm cơm ngày tết, ngoài rượu thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu, không chỉ để ăn mà còn để cúng tổ tiên, trời đất. Bánh giày không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất”.
Ðể làm ra những chiếc bánh giày thơm, dẻo phải mất rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải khéo léo, công phu và tỉ mỉ. Trước tiên, phải chọn gạo nếp nương trắng, thơm, hạt to đều, khi đồ lên sẽ cho xôi dẻo. Gạo được vo qua, ngâm nước khoảng 4 - 5 tiếng, vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ làm bằng gỗ để đồ xôi. Thời gian đồ xôi khoảng 1 tiếng thì cơm mới chín kỹ; lúc xôi còn đang nóng thì phải mang ra giã luôn, nếu để nguội mới giã thì bánh không nhuyễn, cứng, khô và khi nặn thì bánh sẽ bị nứt nẻ, không ngon. Cối dùng để giã bánh giày của người Mông được làm bằng thân gỗ chắc, khoét rỗng ruột, còn chày giã bánh cũng được làm bằng loại gỗ cứng và nặng. Quá trình giã bánh, các thanh niên khỏe mạnh, khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó lại giã theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều. Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được các bà, các chị khéo léo vo tròn, nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời.
Theo chị Vàng Thị Sua, để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon các chị, các mẹ xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Lá gói bánh là lá dong hoặc lá chuối đã hơ qua lửa cho khỏi rách. Sau khi được chia ra thành từng phần bánh tròn, người làm bánh lấy lòng đỏ trứng gà quết lên bề mặt. Bánh được gói bằng lá dong, vừa giữ cho bánh không bị dính, đảm bảo độ thơm. Bánh giày được cắt thành miếng nhỏ và rán lên hoặc nướng trong bếp than khoảng 10 - 15 phút, bánh mềm và có độ phồng, mùi vị đặc trưng của gạo nếp nương. Bánh được vắt và nặn thành hình tròn thể hiện cho trời và đất, sự tròn trĩnh và no đủ khi thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, làm bánh giày còn thể hiện đức tính cần cù, dẻo dai của người Mông chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, khó khăn nơi núi rừng vùng cao.
Ngày nay dù đời sống người Mông đã phát triển và có sự giao thoa giữa các dân tộc khác, song người Mông trên địa bàn huyện Tuần Giáo vẫn gìn giữ và truyền dạy kỹ năng làm bánh giày cho các thế hệ sau; đó cũng là cách giáo dục, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, góp phần lưu truyền cho thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình. Ðặc biệt, vào các ngày lễ, tết, các chàng trai, cô gái người Mông vẫn thường mang bánh giày đi chơi xuân, ngoài làm lương thực dự trữ đường xa, bánh giày còn là món quà đầy ý nghĩa của các chàng trai, cô gái Mông đi kén duyên lấy vợ, gả chồng. Em Vàng Thị Lai, bản Nậm Din, xã Phình Sáng chia sẻ: “Cứ mỗi độ tết đến xuân về, em rất vui khi được cùng các mẹ, các chị làm bánh giày, món ăn đặc trưng, không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết của người Mông. Em còn được các mẹ, các chị truyền dạy kinh nghiệm làm bánh, cách chọn gạo, giã bánh sao cho nhuyễn... Từ đó hun đúc trong em tình yêu dân tộc, các phong tục truyền thống, nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông”. Bánh giày không chỉ món ăn truyền thống dâng lên tổ tiên, trời đất mà còn là đặc sản thết đãi khách mỗi khi tết đến, xuân về của người Mông.
Sầm Phúc
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ