Nghệ nhân trẻ làm đàn đá và chơi organ
Rơ Châm Khánh (bên phải) cùng các bạn trẻ diễn tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp hiện đại.
Say sưa tìm tòi, làm ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc như T’rưng, chuông gió, krông put, sáo…, Rơ Châm Khánh chia sẻ: “Để tạo nên nhạc cụ hoàn chỉnh, đầu tiên là tìm nguồn nguyên liệu. Tre, nứa, lồ ô ngày càng khó tìm, phải đi vào làng xa, có khi phải đến khu vực khác mới có nên mất nhiều công sức. Khi tìm được nguyên liệu vừa ý thì sơ chế, cắt gọt, phơi khô, xử lý mối mọt… Sau đó, mới chế tác, thẩm âm… Ngoài việc để biểu diễn, trưng bày, nếu có khách đặt mua, tôi sẽ làm theo yêu cầu”.
Làm việc tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ (Gia Lai), Rơ Châm Khánh dành hết thời gian cho khu xưởng nhỏ. Từ đây, tiếng đục đẽo, cưa mài, chỉnh âm vang vọng suốt ngày. Ngoài việc chế tác anh còn chơi được thành thạo từ các loại nhạc cụ hiện đại như organ, guitar, trống… và khéo léo kết hợp các nhạc cụ dân tộc - hiện đại một cách hài hòa khi biểu diễn.
2/Đàn đá là nhạc cụ độc đáo được Khánh sáng tạo ra sau nhiều tháng trời mày mò nghiên cứu kỹ thuật lắp, căn chỉnh âm thanh. Để làm được chiếc đàn đá đạt chuẩn phải hiểu những đặc tính của đá. Quan trọng nhất là chọn được loại đá nào khi gõ phát ra được âm thanh trong trẻo và ngân vang. Rơ Châm Khánh tâm tư: “Khi chọn được loại đá vừa ý, việc đầu tiên là xẻ đá để tạo độ phẳng đều, kích thước từng viên đá được cắt nhỏ dần. Sau đó, đến khâu có độ khó cao là chỉnh âm theo tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, mình mất rất nhiều thời gian và tâm sức. Sau khi chỉnh được âm thì đặt từng viên đá lên một chiếc khung được nối lại với nhau”. Chiếc đàn đá đã theo Khánh đi khắp nơi biểu diễn phục vụ bà con dân làng và du khách gần xa. Một chiếc đàn đá thông thường, đơn giản gồm 16 đến 18 âm. Một chiếc đàn đúng tiêu chuẩn và bài bản thì cần đến 32 âm và khi lắp vào khung sẽ tạo thành hai tầng, rất đẹp mắt.
Mong ước lớn nhất của anh Rơ Châm Khánh là âm nhạc dân tộc ngày càng được mọi người đón nhận tại các hội thi, hội diễn, các sân chơi âm nhạc bài bản. Như vậy, âm nhạc dân tộc mới đến gần hơn với người thưởng thức, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân trong làng.
Bài & ảnh: Võ Thanh Thảo