Non nước Việt Nam

Cổng làng, lễ hội xưa

Cập nhật: 16/09/2021 15:28:42
Số lần đọc: 905
Trong bối cảnh đô thị hóa, kiến trúc hiện đại đang dần phá vỡ không gian truyền thống ở những ngôi làng cổ thuần Việt, vùng Bắc bộ, nhưng ở nhiều nơi những chiếc cổng làng xưa cũ đang là những thực thể văn hóa, giúp nhìn nhận, đánh giá và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của người Việt.


Cổng làng gắn liền với sự hình thành và phát triển của một ngôi làng Việt. Thuở sơ khai, nó có vai trò là cột mốc phân chia vùng đất thổ cư và vùng đất canh tác. Trải qua thời gian, cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng in đậm dấu ấn thời gian, mang trên mình lớp trầm tích văn hóa và khẳng định vị trí của mình trong không gian văn hóa của một làng quê vùng Bắc Bộ.

Theo quy ước xưa, một ngôi làng Việt vùng Bắc bộ được thiết kế có hai cổng: "cổng tiền" về hướng Đông Nam, hướng gió lành (mặt trời mọc) để đón niềm vui, những điều tốt đẹp về làng; "cổng hậu" hướng về phía Tây (mặt trời lặn) với ý nghĩa để đưa tiễn người chết, những điều không tốt đẹp ra ngoài làng. Bao bọc quanh làng là luỹ tre xanh, khuôn viên làng có cây đa, giếng nước, sân đình. Phía sau mỗi cổng làng, luỹ tre xanh ấy, là cộng đồng dân cư, dòng họ, gắn kết với phong tục, tập quán, những nét văn hóa tạo lên hồn quê đất Việt, chiều sâu văn hóa ở mỗi ngôi làng.

Vẻ đẹp của cổng làng mang tính phác họa và gợi nên những ước vọng, tình cảm, sự thuỷ chung người Việt từ đời này qua đời khác. Nhiều cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương nhưng vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã.


Cổng tiền làng Yên Lạc, thôn Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ - Hà Nội xây dựng năm 1942.

Qua những biến đổi cùng thời gian, tác phẩm kiến trúc cổ này vẫn giữ vai trò là dấu ấn cho một nếp làng, địa giới một không gian sống quần cư ở mỗi ngôi làng. Hiện nay ở Hà Nội còn khá nhiều cổng làng xưa còn lưu giữ như cổng làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội xây năm 1932 với hoành phi và câu đối vinh danh, ca tụng lịch sử làng. Cổng làng Thổ Hà, xã Vân Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang) xây dựng thế kỷ XVII (năm 1692), gắn dấu ấn về nghề gốm cổ ở từng phát triển rực rỡ ở Thổ Hà, từ thế kỉ 14. Cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), gắn với dáng hình thôn quê, làng cổ. Ngoài ra còn nhiều cổng làng khác có kiến trúc, bố cục quy cách truyền thống, gắn kết với phong tục tập quán, nếp sống của người dân ở ngôi làng đó.

Nhiều cổng làng còn khắc đôi câu đối hai bên cổng, nội dung nhắc nhở con cháu đời sau đạo lý sống ‘’Uống nước nhớ nguồn’’, hay dấu ấn về lịch sử, văn hoá ở ngôi làng đó. Với những người con xa quê hương, trở về, cổng làng là hình ảnh gặp đầu tiên, là tín hiệu đón, mời của quê hương. Cổng làng in đậm dấu ấn đời sống tinh thần người Việt, dù đô thị hóa đến đâu, làng không thể là phố. Bởi vậy không gian văn hóa làng cần một tư duy nhất quán trong quy hoạch để giữ lại nét làng, hồn làng.

Trong không gian văn hóa ở những ngôi làng thuần Việt, vùng Bắc bộ không thể không kể đến những lễ hội truyền thống, được tổ chức hàng năm tại mỗi ngôi làng, nhằm tưởng nhớ tới các vị anh hùng có công với đất nước, làng xã, biểu đạt sâu sắc tinh thần gắn kết cộng đồng, đời sống, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa của mỗi ngôi làng Việt.

Theo thống kê, nước ta có trên 6000 lễ hội dân gian, lưu giữ nhiều tầng lớp văn hóa tín ngưỡng, ẩn chứa hệ tư tưởng đạo lý và triết học. Trong số đó có các lễ hội tiêu biểu như: Hội Gióng, Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Cổ Loa, Hội Chùa Thầy, hội Thổi cơm thi làng Thi Cấm…

Nội dung các hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng, quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, giúp người dân gắn bó với nhau về tinh thần, có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều lễ hội phản ánh tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Đồng thời phản ánh đậm nét vai trò của nhân dân - những người sáng tạo, kế thừa và trao truyền các sáng tạo văn hóa vật thể, phi vật thể, chủ nhân chân chính của loại hình di sản này.

Qua thời gian, cổng làng và lễ hội truyền thống ở mỗi ngôi làng thuần Việt đang là những thực thể văn hóa ẩn chứa và phô diễn những giá trị văn hóa truyền thống, để từ đó, giúp ta trân trọng, giữ gìn những nét văn hóa của tâm hồn người Việt và phát huy những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của tiền nhân./.

Bài, ảnh: Thế Dương

 

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT