Non nước Việt Nam

Hòa Bình: Lan tỏa vẻ đẹp và giá trị trang phục truyền thống

Cập nhật: 14/09/2021 04:45:51
Số lần đọc: 832
Trang phục truyền thống luôn chứa đựng những giá trị nhân văn, nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo để giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.  


Nữ sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Thùy An)

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình hiện có trên 600 học sinh là con em của các dân tộc như Mường, Thái, Mông, Dao, Tày... Nhà trường không chỉ là chiếc nôi đào tạo học sinh dân tộc thiểu số có chất lượng, mà còn được biết đến như “ngôi nhà chung” thân ái, đoàn kết của các học sinh vùng cao. Từ những bản làng xa xôi, khi về Trường học tập, các em đã mang theo cả những nét văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó có những bộ trang phục truyền thống độc đáo. Với mong muốn giữ gìn, phát huy những giá trị này, Trường đã vận động mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh là người dân tộc thiểu số có ít nhất 1 bộ trang phục truyền thống mặc ngày thứ Hai đầu tuần, các dịp lễ, tết. Ban giám hiệu Nhà trường cũng phối hợp vận động ủng hộ trang phục dân tộc cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường, đảm bảo tất cả học sinh là người dân tộc thiểu số đều có trang phục dân tộc đến trường. Nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa với chủ đề “Học sinh với trang phục dân tộc” để các em có cơ hội giới thiệu trang phục truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, từ đó khơi dậy niềm tự hào, lưu giữ văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc. Em Bùi Thị Thu, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình chia sẻ, bộ trang phục dân tộc Mường mà em mặc được mẹ em khéo léo cắt may, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ. Em rất tự hào khi trang phục này trong những ngày hội lớn của trường, bởi ở đó bạn nào cũng mặc trang phục truyền thống và kể cho nhau nghe ý nghĩa trang phục của dân tộc mình.

Được biết, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục dân tộc là một điểm nhấn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cùng với Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của tỉnh, nhất là các trường dân tộc nội trú cũng đã đưa nội dung mặc trang phục truyền thống vào trường học. Các nhà trường thường vận động, khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc ít nhất 01 buổi/tuần và vào các ngày lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị, vẻ đẹp của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", tỉnh Hòa Bình cũng đã đẩy mạnh việc vận động, triển khai mặc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tới các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống đến công sở, cơ quan vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ, trong các nghi thức quan trọng của ngành, của địa phương; ngày lễ, Tết hàng năm; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) hàng năm; khuyến khích mọi người dân mặc trang phục truyền thống dân tộc thiểu số trong trong các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, thành phố, ngày hội, lễ cưới hỏi, ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)…

Ban Dân tộc tỉnh cũng vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và học sinh trên địa bàn thực hiện quyên góp ủng hộ trang phục dân tộc cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hình thức ủng hộ bằng tiền mặt hoặc hiện vật (là trang phục dân tộc may sẵn). Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình cũng thường xuyên tuyên truyền vận động thường xuyên nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khuyến khích mặc trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong các Hội nghị, sự kiện, các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của Hội, của địa phương, đơn vị, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, lan tỏa vẻ đẹp, nét đặc sắc của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Theo đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, việc phối hợp tuyên truyền, khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống đã giúp cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên,... và người dân trong tỉnh thêm tự hào; hiểu biết thêm nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc khác. Đồng thời, gắn chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Với cách làm hiệu quả, đến nay, việc sử dụng trang phục truyền đã dần trở thành thói quen, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình. Trong các ngày lễ, tết, ngày hội..., sắc màu trang phục truyền thống của các dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều ở các trường học, cơ quan, đơn vị. Qua đó, vừa góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục truyền thống của các dân tộc, vừa góp phần quảng bá nét đẹp, nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc Hòa Bình, hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Nguyễn Thị Hoàn

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT