Bắc Ninh: Đổi mới, đa dạng hoạt động giáo dục di sản văn hóa
Trẻ Mầm non xem Nghệ nhân hát Trống quân làng Bùi Xá biểu diễn. (Ảnh tư liệu).
Những năm qua, ngoài việc đưa Di sản Dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các trường phổ thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động giáo dục di sản bổ tích, thiết thực. Đáng chú ý, từ năm 2018, phường Múa rối nước Đồng Ngư (Ngũ Thái, Thuận Thành) đã được tỉnh cấp kinh phí để đến biểu diễn phục vụ học sinh tại một số trường học trong tỉnh.
Với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa xung quanh môi trường sống, gần gũi, dễ hiểu với học sinh, sử dụng kinh nghiệm và tri thức của người dân các địa phương, Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh xây dựng các chương trình tìm hiểu, học tập về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, lựa chọn hình thức dạy và học phù hợp; liên kết với Bảo tàng tỉnh, các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống để đưa học sinh đến học tập. Hàng năm, các trường học đều tổ chức các chuyến tham quan, giáo dục ngoại khóa tại các điểm di tích như: Chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Đền Đô; tham quan Bảo tàng, Thư viện, các làng nghề gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái... Học sinh còn được tham gia hoạt động trải nghiệm tại các sự kiện như Hội thi hát Dân ca Quan họ đầu xuân, Hội khỏe Phù Đổng, Hội Báo Xuân, Ngày hội sách...
Bảo tàng tỉnh, ngoài hoạt động nghiên cứu sưu tầm, trưng bày chuyên đề, còn tích cực tổ chức đa dạng hoạt động giáo dục di sản có ý nghĩa cho học sinh với chủ đề “Bắc Ninh trong tiến trình lịch sử của dân tộc”, cùng với đó là các hoạt động vui chơi trong dịp Tết cổ truyền, Tết Trung thu; các hoạt động trải nghiệm: In tranh Đông Hồ, chuốt gốm, mặc trang phục Quan họ, biểu diễn múa rối nước, các trò chơi dân gian… tại các chương trình hát Dân ca Quan họ trên thuyền. Tại Văn Miếu Bắc Ninh, các lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội cho học sinh, chương trình nói chuyện chuyên đề cũng mang đến cho học sinh những trải nghiệm lịch sử ý nghĩa, giúp các em hiểu biết, thẩm thấu hơn truyền thống hiếu học, khoa bảng vẻ vang của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Nhiều địa phương cũng tích cực triển khai các hoạt động chống xâm hại di tích, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Tiêu biểu như ở Yên Phong, Phòng Văn hóa-Thông phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương...
Bảo tàng tỉnh tổ chức phong phú các hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa cho học sinh. (Ảnh tư liệu).
Giáo dục di sản là hoạt động ngày càng được quan tâm chú ý, bổ trợ hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử trong trường phổ thông, hướng tới việc phát triển toàn diện của học sinh. Mặc dù vậy, công tác giáo dục di sản văn hóa cho học sinh thời gian qua còn nhiều hạn chế. Theo Thạc sĩ Đỗ Hữu Bảng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Vẫn có không ít học sinh thờ ơ với kiến thức lịch sử, văn hóa, cho rằng cuộc sống phía trước không liên quan đến những thứ ở trong quá khứ. Các chuyến tham quan di tích, bảo tàng của học sinh chủ yếu mang tính hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa định hình ý thức học tập rõ ràng. Học sinh rất ít khi được các thầy cô giáo gợi mở việc tìm hiểu, ghi chép nghiên cứu, viết bài thu hoạch sau mỗi chuyến đi. Công tác thuyết minh tại các di tích, bảo tàng cho hàng chục, hàng trăm học sinh cùng một lúc nên ít có sự tương tác, kém hấp dẫn, hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, việc học tập nội khóa gần như phủ kín thời gian của các em nên không dễ để thường xuyên tổ chức các buổi tham quan tìm hiểu di sản.
Muốn học sinh yêu thích tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa nhiều hơn cần sự chung tay từ nhiều phía và tích cực đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tiếp cận. Cán bộ thuyết minh, các giáo viên phụ trách bộ môn liên quan cần được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên và có sự đầu tư công sức để trang bị, mở rộng vốn kiến thức về di sản, từ đó biết cách khơi gợi, hướng dẫn, điều phối các hoạt động học tập di sản một cách phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh chủ động tiếp cận học tập, chiếm lĩnh nguồn tài nguyên tri thức phong phú từ vốn di sản văn hóa quý báu của quê hương.
V.Thanh