Bản sắc dân tộc Lô Lô
Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn… Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc Lô Lô có 4.827 người, cư trú chủ yếu ở các huyện Ðồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Khương (Lào Cai). Người Lô Lô có đời sống văn hoá, tinh thần phong phú, cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc Lô Lô vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, điều mà không phải dân tộc thiểu số nào cũng làm được.
Sinh sống gắn bó mật thiết với đời sống nông nghiệp, với núi rừng đồng bào Lô Lô phác lên những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan sinh động trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội.
Những quan niệm của người Lô Lô, phản ánh giá trị tinh thần to lớn, thể hiện những hành vi ứng xử giữa người với người, giữa con người với cộng đồng làng xã, giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ của cộng đồng dân tộc Lô Lô. Người Lô Lô có hệ thống các nghi lễ như: Lễ tế trời, Lễ cầu an, Lễ cúng thổ thần…
Trong đó, Lễ cầu an là một sinh hoạt văn hoá đặc trưng phản ánh đậm nét tín ngưỡng của đồng bào, lễ hội được lưu truyền và kế thừa qua nhiều thế hệ người Lô Lô. Đồng bào quan niệm, cuộc sống dù có khó khăn đến mấy nhưng gà và lợn là hai con vật không thể thiếu trong lễ hội cầu an, bởi gà là con vật gần gũi, thân thiết mang lại may mắn cho dân làng. Trong Lễ cầu an, lưỡi kiếm và sợi dây đỏ dùng để loại trừ tà ma, xua đuổi những điều không may mắn và đây là những lễ vật do bàn tay lao động của bà con làm ra với tấm lòng thành kính mong rằng các vị thần linh sẽ phù hộ cho làng bản, cộng đồng.
Mỗi ngôi làng người Lô Lô có chung một khu rừng thiêng, cấm kỵ chặt phá. Đồng bào quan niệm, rừng là nơi trú ngụ của thần linh, nơi giữ nguồn nước cho người dân bản, làng. Trong xóm Lô Lô, có các cây cổ thụ rợp bóng mát được người dân ý thức giữ gìn, tạo nên cảnh quan thiên nhiên riêng của những làng bản người Lô Lô.
Phụ nữ Lô Lô với trang phục truyền thống dân tộc. (Ảnh minh họa chụp trước dich Covid-19)
Trong đời sống cộng đồng, người Lô Lô có nhiều dòng họ. Người trong dòng họ sinh sống quần cư thành một làng. Ðứng đầu dòng họ là Thầu chú, có vai trò phụ trách việc cúng bái và duy trì tục lệ của dòng họ.
Mỗi làng Lô Lô có khoảng 25 nóc nhà, kiến trúc nhà xây dựng dựa lưng vào núi, nhìn ra thung lũng thoáng mát, có 3 loại nhà chính gồm nhà đất, nhà sàn nửa đất và nhà sàn bằng gỗ có 3 gian và không có chái, gian chính để thờ tổ tiên và tiếp khách. Trong nhà bàn thờ tổ tiên đặt sát vách, đối diện với cửa chính.
Là một dân tộc có nền văn hoá phát triển, có trống đồng cổ, chữ viết tượng hình xa xưa... đồng bào Lô Lô rất tự hào về nền văn hoá phong phú của dân tộc mình qua những điệu múa, làn điệu dân ca, các truyện cổ tích. Trống đồng là một bảo vật văn hóa của người Lô Lô, một vật thiêng kết nối giữa thần linh và con người, do đó, trống đồng chỉ được vang lên trong những dịp đặc biệt quan trọng của dân làng: tang tế, lễ cúng thổ thần, lễ tế trời đất và các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Một bộ trống đồng có 2 cái (một trống đực và một trống cái). Trống đực đường kính mặt rộng khoảng trên 60cm, giữa mặt trống có hình ngôi sao 12 cánh, tang nở, thân eo, chân choãn. Đường kính chân trống 56 cm, cao 37 cm và có 4 quai bố trí thành 2 cặp đối xứng qua trục thân.
Trống đồng của dân tộc Lô Lô khác với trống đồng dân tộc khác ở những lỗ thủng tròn trên mặt trống. Bởi người Lô Lô quan niệm, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, hình tròn giữa mặt trống là hình tượng mặt trời, những tia trống là các con mắt của trời, các hoa văn xung quanh trống là các hành tinh xung quanh mặt trời.
Người Lô Lô rất coi trọng trống đồng, được cất giữ cẩn thận bởi trưởng họ. Mỗi tháng, gia chủ giữ trống phải thắp hương cúng khấn ba lần. Đặc biệt, khi mang trống ra sử dụng cần phải thắp hương xin phép tổ tiên rồi mới được hạ trống xuống.
Chữ viết của dân tộc Lô Lô là chữ tượng hình, hiện nay đã bị mai một. Lịch Lô Lô chia một năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với tên một loài vật.
Trong đời sống tín ngưỡng, các nghi lễ vòng đời được tiến hành nghiêm ngặt theo các phong tục cổ truyền. Khi bố hoặc mẹ qua đời, ít nhất 1 năm con cái mới được tổ chức lễ cưới hỏi. Người Lô Lô cúng tổ tiên, ông bà vào các dịp như rằm tháng 7, tết năm mới. Trong đời sống hôn nhân, người Lô Lô sống một vợ một chồng, cư trú ở nhà chồng, nam, nữ thanh niên Lô Lô được tự do tìm hiểu để đi tới hôn nhân. Các nghi lễ liên quan tới đời người từ sinh ra đến khi kết thúc vòng đời mang đậm dấu ấn văn hoá Lô Lô.
Thiếu nữ dân tộc Lô Lô giới thiệu ẩm thực trong ngày hội văn hoá truyền thống Tây Bắc, tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội); (Ảnh minh họa chụp trước dich Covid-19)
Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ, nghệ thuật diễn xướng dân gian... Cách bố trí hoa văn trên khăn áo, váy, trang phục mang nét riêng biệt, phụ nữ Lô Lô mặc áo cánh, cổ tròn, xẻ ngực, quần ống què có trang trí hoa văn với những gam mầu rực rỡ. Nam giới Lô Lô mặc trang phục màu chàm, trang trí điểm xuyết hoa văn. Các hoa văn, hoạ tiết trên trang phục có nội dung mô phỏng các sinh hoạt, tín ngưỡng trong đời sống người Lô Lô. Những hoa văn trên trang phục cũng mang nhiều điểm tương đồng với các hoạ tiết trên trống đồng của người Lô Lô.
Người Lô Lô có tới 36 điệu đánh trống khi làm lễ tế trời dùng trống trời (mồ dảnh), khi làm lễ cúng thổ thần dùng trống ếch (po dảnh) và tang ma dùng múi dảnh, thắng dảnh. Khi đánh trống, người đánh trống đeo trống đực bên phải, trống cái đeo bên trái, dùng dùi tre dài khoảng 15 cm, đường kính 1 cm và một thanh tre dẹt 20 cm để đánh trống.
Đối với các nghi lễ khác, tiếng trống đồng là thanh âm không thể thiếu trong các điệu múa dân gian, trong vô số các điệu múa nghi lễ và vui chơi của người Lô Lô, có điệu múa “người rừng” là một đặc trưng văn hoá, mang đậm tín ngưỡng nguồn cội về tổ tiên, về rừng.
Bên cạnh đó, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về hay những dịp lễ hội cộng đồng, tiếng trống đồng lại vang lên hòa cùng âm thanh núi rừng tạo nên bản nhạc đầy màu sắc trong điệu nhảy, tiếng cười của đồng bào Lô Lô.
Hòa cùng chiều sâu văn hoá dân tộc Lô Lô, hoà cùng thanh âm của núi rừng Tây Bắc, tiếng trống đồng như một biểu trưng văn hoá của dân tộc Lô Lô được gìn giữ nguyên vẹn, như một mạch nguồn văn hoá chảy mãi không bao giờ cạn trên vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Bài, ảnh: N.Dương