Non nước Việt Nam

Đắk Nông: Những người nặng lòng với văn hóa dân tộc

Cập nhật: 10/09/2021 05:36:05
Số lần đọc: 1091
Đam mê, nặng lòng với văn hóa dân tộc, nhiều nghệ nhân đã góp sức không nhỏ trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nỗ lực truyền dạy cho lớp trẻ.  


Gìn giữ “hồn chiêng”

Nghệ nhân Y Lanh ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) được biết đến là một trong những “đầu tàu’ dẫn dắt hoạt động truyền dạy diễn tấu cồng chiêng ở bon Pi Nao.

Ngoài diễn tấu cồng chiêng, nghệ nhân Y Lanh còn biết sử dụng, chế tác nhiều nhạc cụ của người M'nông (Ảnh chụp trước 27/4)

Theo anh Y Lanh, có kết quả như ngày hôm nay là một quá trình nỗ lực phấn đấu lâu dài. Ngay từ khi 10 tuổi, anh đã theo những người già trong bon đánh cồng chiêng. Những âm thanh trong trẻo, ấm áp của các bài chiêng truyền thống như mê hoặc, khiến anh quên ăn, quên ngủ và rồi như một bản năng, việc đánh cồng chiêng đối với anh còn nhanh hơn nhìn đúng mặt con chữ.

Không những vậy, anh Y Lanh còn biết chế tác, sử dụng các nhạc cụ truyền thống của dân tộc và có thể hát Ot N'drong (sử thi), hát ru và những bài cúng trong các dịp lễ hội. Với anh, mỗi nhạc cụ dân tộc đều có một ý nghĩa riêng và để chúng thực sự “có hồn” thì người chế tác phải am hiểu những giá trị mà nó mang lại. Điều đáng nói, không giữ cho riêng mình, Y Lanh còn chỉ dạy cho những ai yêu thích văn hóa dân tộc, nhất là lớp trẻ.

Nghệ nhân Y Lanh chia sẻ: “Càng yêu văn hóa dân tộc thì mới thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ càng lớn lao. Văn hóa M’nông rất đa dạng và việc duy trì, bảo tồn rất khó, không phải ngày một ngày hai là làm được. Do đó, trong khả năng có thể, tôi luôn cố gắng hết sức để truyền dạy những gì mình biết cho lớp trẻ”.

Nuôi dưỡng nghề dệt thổ cẩm

Nghệ nhân H’Đă ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) ngay từ khi còn nhỏ đã được bà và mẹ truyền dạy cho cách dệt thổ cẩm. Theo chị H’Đă, để dệt xong một cái chăn phải mất khoảng 20 ngày, một cái váy mất khoảng 10 ngày, chiếc áo 5 ngày, cái túi xách 2 ngày. Chỉ với một khung dệt đơn giản, những cuộn len, sợi chỉ, dưới đôi tay điêu luyện của chị đã trở thành những tấm thổ cẩm đẹp mắt. Những nét hoa văn trang trí ở đường viền chân váy, cổ áo, tay áo… có dạng hình răng, con sóc, hạt hoa mướp, hoa văn rau dớn, cối giã gạo… kết nối vào nhau.

Nghệ nhân H'Đă luôn tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống (Ảnh chụp trước 27/4)

Bên cạnh dệt những tấm thổ cẩm mang đặc trưng của dân tộc, chị H’Đă còn sáng tạo, cách tân những sản phẩm từ thổ cẩm như váy, túi xách phù hợp với thị trường hiện tại nhưng không mất đi nét đẹp truyền thống của người Ê đê. Những sản phẩm của chị dệt ra thường bán cho khách du lịch, đồng bào trên địa bàn.

Đặc biệt, để nghề truyền thống của dân tộc phát triển, chị còn đứng ra thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Nui và quy tụ hơn 10 thành viên tham gia sinh hoạt vừa học nghề vừa làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sáng tạo để giữ nghề

Vào sinh sống trên vùng đất mới Đắk Nông, những năm qua, nghệ nhân Lò Thị Hoa ở xã Ea Pô (Cư Jút) đã đổ bao tâm huyết để giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Thái.

Nghệ nhân Lò Thị Hoa luôn nỗ lực vì nghề dệt của dân tộc Thái. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, tuổi thơ của chị gắn liền với hình ảnh người mẹ, người chị ngồi bên khung cửi đưa thoi, dệt vải. Ở tuổi mới lớn, chị được mẹ chỉ dạy nhận biết thế nào là khung cửi, cách thêu hoa, tạo hình hoa văn trên thổ cẩm truyền thống…Để học nhanh, nhớ kỹ, chị vừa lưu giữ bằng trí nhớ, vừa vẽ ra giấy những hoa văn phức tạp. Đến năm 16 tuổi, chị đã dệt thành thạo các loại hoa văn khó như hình con chó, hình thập ngoặc hay hình quả trám…

Chị Lò Thị Hoa cho biết: “Càng đam mê bao nhiêu, tôi càng lo một ngày không xa, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái sẽ bị mất đi. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên đất Đắk Nông này”./.

Bài, ảnh: Mỹ Hằng

 

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT