Quảng Trị: Giữ gìn văn hóa truyền thống của bản làng
Nghệ nhân Hồ Văn In truyền dạy cách thổi khèn bè cho con cháu - Ảnh: M.Đ
Xã Lìa được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập hai xã cũ là A Túc và A Xing. Trước đây, xã A Túc và A Xing đều có nền văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Đến khi sáp nhập thành xã Lìa thì nền văn hóa truyền thống đó càng trở nên đa dạng, phong phú, làm cho đời sống tinh thần người dân ngày càng được nâng cao. Bí thư Đảng ủy xã Lìa Hồ A Dược cho hay, thời gian qua, xã Lìa đã có nhiều kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Pa Kô; động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, nhất là các nghệ nhân gặp mặt, giao lưu, xây dựng kế hoạch, giải pháp bảo tồn nét đẹp truyền thống văn hóa trong toàn xã; phát huy tài năng, tâm huyết của các nghệ nhân trong việc giữ gìn các nhạc cụ truyền thống, làn điệu âm nhạc dân tộc, các lễ hội truyền thống, các nghề truyền thống… còn mãi trong dòng chảy thời gian và truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau bản sắc văn hóa dân tộc.
Chính từ việc thực hiện giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Toàn xã có 915/1.120 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 4/4 đơn vị trường học đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. Hiện nay, ở xã Lìa có khoảng 40 nghệ nhân, trong đó: Nghệ nhân về nhạc cụ, làn điệu âm nhạc truyền thống khoảng 10 người; nghệ nhân đan lát khoảng 20 người; nghệ nhân dệt thổ cẩm khoảng 10 người. Tất cả nghệ nhân và những người già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng đều tham gia tích cực, góp sức vào bảo tồn, phát huy nền văn hóa truyền thống cũng như quảng bá, giới thiệu đến với cả nước và quốc tế thông qua việc hợp tác thực hiện một số dự án quốc tế ở xã Lìa.
Đến thôn Kỳ Tăng, chúng tôi được nhiều người kể về tình yêu, niềm đam mê và sự hiểu biết sâu rộng nhạc cụ, làn điệu dân tộc… của các nghệ nhân Hồ Văn Chơn (sinh năm 1934), Hồ Cu Chảnh (sinh năm 1937). Đến nhà ông Hồ Văn Chơn, chúng tôi được nghe âm nhạc từ tiếng khèn bè, giọng hát làm mê lòng người. Cả hai ông chào đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp, thân thiện và hiếu khách. Từ nhỏ hai anh em nghệ nhân Hồ Văn Chơn và Hồ Cu Chảnh rất yêu thích khèn bè, tù và, cồng chiêng, đánh trống…; hát được nhiều làn điệu như: Cà lơi, cha chấp, oát, xiêng, xa nớt… và múa truyền thống. Với sự yêu thích, ham học hỏi và sẵn vốn có năng khiếu nên hai ông đã nhanh chóng lĩnh hội đầy đủ tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có thêm nhiều sáng tạo mới để mang đến những nét mới, độc đáo trong biểu diễn. Nghệ nhân Hồ Văn Chơn chia sẻ: “Giờ đây, bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi trực tiếp thổi khèn bè, tù và, đánh cồng chiêng… và hát những làn điệu dân ca truyền thống, chúng tôi cảm thấy trẻ lại như tuổi đôi mươi, luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Những năm qua, chúng tôi đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để sưu tầm, bảo tồn, giữ gìn hơn 10 loại nhạc cụ truyền thống và giữ gìn cẩn thận như báu vật trong nhà. Với chúng tôi, những thứ này rất giá trị, như “linh hồn” của bản làng”.
Dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn nhưng ông Hồ Văn Chơn vẫn kiên quyết không bán những nhạc cụ truyền thống như tù và, cồng chiêng… khi nhiều người trả giá khá cao. Ông cho biết, ông có cái tù và rất quý hiếm được làm bằng sừng trâu. Một lần ông sang tận một bản ở nước bạn Lào dự lễ đâm trâu, các già làng, trưởng bản ở đó quý trọng đã tặng cho ông 1 cái rừng trâu rất to, đẹp được lấy từ lễ hội đâm trâu. Chỉ trong vòng 1 tháng, từ một cái sừng trâu đơn thuần nhưng qua bày tay, khối óc và sự cảm thụ âm nhạc tuyệt vời, ông Hồ Văn Chơn đã làm nên một cái tù và độc đáo. Nhiều người hỏi mua nhưng ông không bán. Ông bảo, hàng chục năm qua, ông gìn giữ cẩn thận và chỉ đem ra thổi vào những dịp đặc biệt. Bởi, theo tục lệ từ xa xưa cho đến nay, muốn thổi tù và phải làm lễ khấn vái báo với thần linh, tổ tiên mới được thổi.
Không chỉ được xem là “kho” tư liệu văn hóa sống của bản làng trong sử dụng thuần thục các nhạc cụ, làn điệu dân ca, nghệ nhân Hồ Văn Chơn còn là người duy nhất ở Quảng Trị hiện nay còn sống có thể làm được nhiều loại nhạc cụ truyền thống, trong đó, ấn tượng nhất là làm khèn bè của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ông chia sẻ, để làm được những chiếc khèn bè có chất lượng, bản thân ông phải đi vào rừng sâu, thậm chí sang nước bạn Lào để tìm kiếm nguyên vật liệu, rồi về đầu tư công sức để làm ra sản phẩm nhạc cụ tốt nhất. Nhiều người dân ở vùng miền núi Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên-Huế và một số bản làng ở nước bạn Lào đến tìm ông để đặt hàng làm sản phẩm cũng như sửa chữa sản phẩm khèn bè bị hư hỏng. Những lúc đó, ông vui vẻ nhận lời, bởi từ việc làm này, tiếng khèn dân tộc sẽ được ngân vang mãi, đem đến nhiều niềm vui cho mọi người trên các vùng rẻo cao.
Một trong những việc làm ấn tượng của các nghệ nhân ở xã Lìa đó là dành trọn tâm huyết để truyền lại “linh hồn” của bản làng cho thế hệ hôm nay. Họ đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 2 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng với khoảng 50 thành viên; tổ chức sinh hoạt thường xuyên nhằm giữ gìn và quảng bá nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Các CLB cồng chiêng chỉ biểu diễn khi lễ hội đâm trâu hoặc xã, huyện, tỉnh tổ chức hội thi các truyền thống dân tộc thiểu số. Các CLB cồng chiêng này thường xuyên tham gia hội thi ở trong huyện, tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt nhiều kết quả cao. Nhiệm vụ quan trọng được các CLB quan tâm là tổ chức các hoạt động truyền dạy văn hóa dân tộc, sử dụng cồng chiêng, hát dân ca… cho người dân, nhất là thanh niên trong bản làng. Cụ thể, nghệ nhân Hồ Cu Chảnh, nghệ nhân Côn Giới trực tiếp dạy các làn điệu dân ca; nghệ nhân Ăm Khăm, nghệ nhân Côn Khia... trực tiếp dạy sử dụng nhạc cụ.
Nghệ nhân Hồ Văn In (sinh năm 1954) thôn Kỳ Nơi cho hay: “Niềm vui của những nghệ nhân chúng tôi là truyền dạy lại cho người dân bản làng biết sử dụng, giữ gìn các nhạc cụ, làn điệu âm nhạc dân tộc. Lớp trẻ hôm nay đã lĩnh hội đầy đủ và sử dụng tốt các nhạc cụ, làn điệu dân ca từ các nghệ nhân truyền lại. Đây là điều đáng mừng, bởi thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống, làm cho nền văn hóa đặc trưng của người Pa Kô vang xa”./.
Hoài Nhung