Non nước Việt Nam

Phát huy lễ hội Cầu ngư Phan Thiết phục vụ du lịch

Cập nhật: 15/09/2021 09:55:37
Số lần đọc: 705
Nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa của Lễ hội Cầu ngư Phan Thiết hướng đến là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú (54 đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, Phan Thiết) phục vụ phát triển du lịch địa phương.



Lễ hội Cầu ngư Phan Thiết (Ảnh: Nguyên Vũ)

Độc đáo lễ hội miền biển

Tín ngưỡng thờ cúng Cá Voi (Cá Ông) và Lễ hội Cầu ngư là nét văn hóa đặc trưng có từ lâu đời của cư dân vùng biển từ Quảng Bình trở vào các tỉnh ven biển phía Nam. Ở Bình Thuận, tín ngưỡng này có lịch sử hình thành, tồn tại từ lâu đời gắn với quá trình di dân tiếp quản vùng đất cực Nam Trung bộ của người dân các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ và được duy trì đến ngày nay. Trong số gần 30 ngôi lăng, vạn thờ Cá Voi hiện hữu ở địa phương, Thủy Tú là ngôi vạn được tạo lập sớm nhất (năm Nhâm Ngọ 1762). Đây là nơi thờ Thủy Tổ nghề biển của ngư dân Phan Thiết - Bình Thuận.

Từ khi tạo lập đến nay, vạn Thủy Tú là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp truyền thống của ngư dân các làng chài Phan Thiết, là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa dân gian đặc trưng vùng biển, trong đó Lễ hội Cầu ngư thể hiện niềm tin, khát vọng của ngư dân về mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, sự bình an và may mắn khi đánh bắt hải sản trên biển. Theo tập tục có từ lâu đời, hàng năm tại vạn Thủy Tú diễn ra 4 kỳ tế lễ là: Lễ Tế Xuân - Cầu ngư đầu mùa (20 - 21/2 ÂL), Lễ Ha ̣nghệ - Xuống vu ̣cá Nam (20 - 21/4 ÂL), Lễ hội Tế Thu - Cầu ngư chính mùa (19 - 22/6 ÂL), Lễ Mãn mùa cá Nam (20 - 21/8 ÂL). Trong đó, Lễ Tế Thu là Lễ hội chính của vạn diễn ra hàng năm và định kỳ 3 năm đáo lệ tổ chức đại lễ một lần.

Lễ hội Cầu ngư chính mùa tại vạn Thủy Tú được coi là điểm nhấn và là ngày hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia, là dịp để ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính với thần Nam Hải và cầu mong sự phù hộ để việc đánh bắt hải sản trên biển luôn bình an, may mắn và tôm cá đầy ghe, là dịp để ngư dân gặp gỡ, thắt chặt mối đoàn kết tương thân, tương ái trong lao động và cuộc sống. Một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng nhất là tổ chức đoàn thuyền ra khơi Nghinh rước Ông Sanh (thần Nam Hải) ngoài biển về vạn hưởng lễ. Tiếp theo là các nghi thức lễ Nghệ sắc, Nghinh Ông Sanh, Thỉnh chư vị thủy thần và tiền hiền, Phóng sanh, Cầu quốc thái dân an, Khai xá thuyền Rồng, khai diễn hát Bội.... Phần hội có diễn xướng dân gian (chèo bả trạo, hô bài chòi, hát bôị …), các trò chơi dân gian (thi gánh cá, đan lưới, bơi lội, kéo co, đua thuyền, lắc thúng...).

Bên cạnh lễ hội Cầu ngư, tại vạn Thủy Tú hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có niên đại cổ xưa, 24 sắc phong của các đời vua Triều Nguyễn, lưu giữ và thờ phụng khoảng 100 bộ xương Cá Voi. Trong đó, có bộ xương lớn nhất dài 22 mét (lụy và trôi vào vạn cuối thế kỷ 18) được phục chế hoàn chỉnh, trưng bày trong khuôn viên vạn Thủy Tú phục vụ du khách thăm quan, nghiên cứu. Đây là bô ̣ xương Cá  Ông lớn nhất Việt Nam được phục chế và trưng bày phục vụ du lịch. Với những giá trị văn hóa miền biển độc đáo vạn Thủy Tú đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1996, Lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.


Nghi thức Nghinh Thần Nam Hải về vạn Thủy Tú (Ảnh: Nguyên Vũ)

Sản phẩm du lịch hấp dẫn

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và thăm quan, bái tế của du khách, Bình Thuận tiếp tục duy trì các kỳ tế lễ diễn ra hàng năm tại vạn Thủy Tú. Đặc biệt, Lễ hội Cầu ngư chính mùa diễn ra trong tháng 6 Âm lịch là Lễ hội chính của vạn được tổ chức theo định kỳ 3 năm đáo lệ đại lễ một lần với đầy đủ các nghi thức lễ theo tập tục truyền thống và phục hồi lại các làn điệu diễn xướng dân gian như Chèo bả traọ, hát bôị, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao truyền thống gắn với tiềm năng, thế mạnh của sông Cà Ty, cửa biển Cồn Chà để quảng bá, phục vụ phát triển du lịch.

Từ năm 2022 trở đi, thành phố Phan Thiết sẽ tổ chức Lễ hội Cầu ngư chính mùa tại vạn Thủy Tú từ ngày 19 - 22 tháng 6 Âm lịch (đại lễ) hoặc từ ngày 19 - 21 tháng 6 Âm lịch (thông thường) với không gian lễ hội tại vạn Thủy Tú, các tuyến đường xung quanh vạn, cảng cá Phan Thiết, cửa Cồn Chà, Hòn Lao, sông Cà Ty. Trong đó, duy trì nghi lễ Nghinh Ông Sanh ngoài biển Hòn Lao về vạn theo nghi thức truyền thống vốn có và sẽ là nghi lễ chính, là điểm nhấn của Lễ hội để hấp dẫn du khách. Đoàn thuyền lễ gồm 2 thuyền của vạn Thủy Tú và thuyền của làng chài (mỗi phường, xã 1 - 2 thuyền) ra vùng biển Hòn Lao thực hiện nghi lễ Nghinh rước Ông Sanh (thần Nam Hải) về vạn hưởng lễ.

Để bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư phục vụ du lịch, thành phố Phan Thiết sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh tổ chức Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú trang trọng, độc đáo, hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh mội trường, an ninh trật tự, giao thông cho người dân và du khách đến thăm quan, bái tế. Đồng thời, tăng cường các hình thức tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về ý nghĩa, giá trị và nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông và Lễ hội Cầu ngư để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Lễ hội Cầu ngư cũng như di tích Vạn Thủy Tú, khẳng định sức hấp dẫn và đặc sắc của 1 trong 5 lễ hội truyền thống được tỉnh Bình Thuận bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. 

Đặc biệt, trước thời gian diễn ra Lễ hội cần sớm có kế hoạch, nội dung, chương trình cả phần lễ và phần hội để thông báo cho các Công ty Lữ hành, các doanh nghiệp du lịch quảng bá và đưa vào chương trình tour, tuyến du lịch. Đồng thời, cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đa dạng hóa các nội dung hoạt động của phần hội để mời gọi du khách trong, ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm Lễ hội Cầu ngư - một trong những nét đặc sắc nhất của văn hóa truyền thống miền biển Bình Thuận.

Nguyên Vũ

 

Nguồn: Xúc tiến Du lịch Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT