Nghị quyết 92 của Chính phủ năm 2014: Tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để du lịch bứt phá
Nhìn nhận trực diện và thẳng thắn vào những vấn đề vướng mắc của ngành Du lịch là hướng tiếp cận xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nghị quyết 92, trong đó xác định 3 vấn đề lớn cần giải quyết (1) Tại sao Việt Nam có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng nhưng sự phát triển du lịch lại chưa tương xứng với tiềm năng đó? (2) Tại sao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam còn thấp trong khu vực? (3) Nhận thức về phát triển du lịch ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển?.
Vào thời điểm đó, thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế cho thấy có những vấn đề chưa tạo thuận lợi cho sự phát triển của du lịch. Thủ tục visa vào Việt Nam còn phức tạp, mới chỉ miễn cho một số quốc gia trong khi các nước trong khu vực và trên thế giới có chính sách visa thông thoáng hơn rất nhiều, miễn cho rất nhiều quốc gia khác. Khi du khách cần lựa chọn giữa hai điểm đến thì dĩ nhiên họ sẽ chọn nơi được miễn visa hoặc thủ tục dễ dàng hơn để tránh phiền toái, mất thời gian khi đi du lịch, nghỉ ngơi.
Về hàng không, Việt Nam chưa có nhiều đường bay thẳng kết nối với các điểm đến trên thế giới. Việc thiết lập đường bay thẳng sẽ giúp du khách giảm bớt thời gian chờ đợi, di chuyển giữa các điểm đến.
Về đầu tư và tổ chức hoạt động marketing, kinh phí dành cho các hoạt động marketing của Du lịch Việt Nam còn quá ít so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi Việt Nam đầu tư khoảng 1,5 triệu USD/năm thì các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia đầu tư khoảng 100 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động marketing của Việt Nam chưa cao, đầu tư chưa tập trung, còn dàn trải.
Một yếu tố quan trọng khác là định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Du lịch Việt Nam chưa xây dựng được hình ảnh du lịch quốc gia nhất quán như nhiều quốc gia khác. Thái Lan với Phuket, Pattaya, Bangkok và gần đây là Chiang Mai, Campuchia với Angkor, Ai Cập với Kim Tự Tháp... Dĩ nhiên những quốc gia này còn nhiều điểm đến ấn tượng khác nhưng họ lựa chọn một vài điểm đến tiêu biểu để làm thương hiệu du lịch quốc gia. Để nâng cao sức cạnh tranh, Việt Nam cần đầu tư trọng điểm, lựa chọn 1, 2 hình ảnh đại diện đủ tầm cỡ để quảng bá ra quốc tế.
Ở trong nước, còn nhiều bất cập trong nhận thức của xã hội, các cấp, các ngành về du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, có nội hàm riêng và rất đặc thù. Sự phát triển của du lịch không thể tách rời khỏi sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tài nguyên du lịch của nhiều địa phương trong nước đa dạng, phong phú, nhưng tài nguyên du lịch không phải là sản phẩm du lịch nếu chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, hệ thống dịch vụ đi kèm và tổ chức hoạt động dịch vụ tại đó. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi tư duy về quản lý điểm đến, liên kết trong phát triển du lịch.
Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của ngành Du lịch, đã có những đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh liên quan đến các quy định về thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, nhập khẩu trang thiết bị phục vụ du lịch... Đây là những vấn đề then chốt cần tháo gỡ để tạo động lực cho doanh nghiệp vươn lên.
*
* *
Chính vì vậy, Nghị quyết 92 tập trung vào những vấn đề vĩ mô và có tính liên ngành, các giải pháp mang tính đột phá, nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, Ngành, địa phương trong quá trình triển khai. Trong đó Nghị quyết đề ra giải pháp quan trọng đầu tiên là nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch, nêu rõ: “Các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch”.
Về giải pháp tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch, Nghị quyết xác định quan điểm “Ưu tiên đầu tư để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi”. Trong đó có những điểm đáng chú ý như Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng “Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch” từ nguồn xã hội hóa, giao các cơ quan liên quan xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015; xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, sớm hình thành một số khu du lịch trọng điểm quốc gia có sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho du lịch Việt Nam phát triển; các địa phương đề xuất áp dụng các cơ chế đặc thù về đất đai, nguồn vốn đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để phát triển du lịch phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương.
Nghị quyết cũng nêu giải pháp về tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch, trong đó đề cập đến các vấn đề về nghiên cứu đề xuất mở rộng diện miễn thị thực, cải tiến thủ tục cấp thị thực, đẩy mạnh lộ trình mở cửa bầu trời, mở rộng thị trường du lịch quốc tế, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khuyến khích thị trường nội địa phát triển.
Về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, cần rà soát, nghiên cứu điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng nâng mức ưu đãi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khách sạn, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích cho không gian cảnh quan; rà soát các quy định về nhập khẩu các trang thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dụng cần thiết để phát triển du lịch cao cấp mà trong nước chưa sản xuất được; quy định mức giá điện tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh du lịch.
Nghị quyết đặt ra cần tăng cường quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương, trong đó cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực du lịch; chấn chỉnh và nâng cấp chất lượng phục vụ của ngành hàng không; bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh an toàn tại các nhà ga, bến tàu, cảng biển, các phương tiện vận chuyển hành khách; tăng cường phối hợp quản lý hoạt động du lịch tại các điểm đến; khẩn trương hình thành Trung tâm hỗ trợ du khách tại các địa bàn du lịch trọng điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của khách du lịch nước ngoài; bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch...
*
* *
Nhìn lại năm 1993, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 45/CP về đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch, và đã tạo động lực cho ngành Du lịch phát triển trong công cuộc mở cửa của nền kinh tế nước ta. Ngành Du lịch đã đạt được những thành tựu to lớn, lượng khách quốc tế và nội địa tăng lên nhiều lần, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, nguồn thu từ du lịch ngày càng tăng, du lịch đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, được Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời điểm năm 2014, trước bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen đến từ tình hình quốc tế và trong nước, ngành Du lịch cần có cú hích mới để vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên. Nghị quyết 92 là nền tảng tạo động lực, hội tụ sức mạnh tổng hợp cho ngành Du lịch khắc phục những vấn đề vướng mắc, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra cho Ngành, tương xứng với tiềm năng của đất nước, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Trung tâm Thông tin du lịch