Thông báo Kết luận 179-TB/TW của Bộ Chính trị năm 1998: Quyết sách quan trọng tạo sự chuyển biến cơ bản cho Du lịch Việt Nam thời kỳ đổi mới
Bối cảnh những năm 1997-1998, khủng hoảng tài chính khu vực châu Á đã cuốn nền kinh tế nhiều nước trên thế giới vào vòng suy thoái. Du lịch Việt Nam, sau thời gian dài tăng trưởng bị chững lại và sụt giảm về hầu hết các chỉ tiêu. Ngành Du lịch đã báo cáo và được Chính phủ thông qua, trình Bộ Chính trị đề án “Phát triển du lịch trong tình hình mới”.
Theo Thông báo kết luận số 179-TB/TW, Bộ Chính trị đã kết luận về 5 nội dung mang tính chiến lược đối với ngành Du lịch:
Một là, Du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng. Để tiếp tục thực hiện tốt các chức năng hoạt động du lịch trong thời gian tới, cần khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của đất nước, nâng cao ý thức phát triển du lịch phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và văn minh quốc tế. Phải nhận thức rõ những hạn chế về mặt chủ quan để vượt qua các thách thức đang đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của ngành du lịch, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới.
Hai là, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương cần khẩn trương chỉ đạo tổng kết, đánh giá về lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới theo các chỉ đạo của Đảng. Đánh giá phải dựa trên những quan điểm của Đảng, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật. Cần tập trung đánh giá về nhận thức và mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong sự nghiệp phát triển du lịch trong thời gian vừa qua và đề ra các giải pháp tiếp tục thực hiện tốt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Ba là, để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo, xem xét và sớm ban hành Pháp lệnh Du lịch.
Bốn là, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị Chiến lược phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của cả nước trong giai đoạn 2001-2010 và các sự kiện du lịch năm 2000; xúc tiến thông qua Chương trình hành động quốc gia về du lịch đến năm 2000 và các sự kiện du lịch năm 2000 và chỉ đạo giải quyết những đề nghị của Tổng cục Du lịch nêu trong đề án thuộc phạm vi và quyền hạn của Chính phủ.
Năm là, Thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch để giúp Chính phủ tổ chức phối hợp các hoạt động liên quan tới phát triển du lịch. Ban do một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
Kết luận 179 với nội dung ngắn gọn, đi thẳng vào tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo nền tảng cho du lịch đi lên trong thời kỳ mới, thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, nhận thức các cấp, ngành, xã hội về vai trò, vị trí của ngành du lịch đã có sự chuyển biến tích cực, công tác phối hợp liên ngành được thúc đẩy ngày càng chặt chẽ. Ở nhiều địa phương, du lịch xác định là ngành kinh tế quan trọng hoặc kinh tế mũi nhọn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 179, ngày 13/02/1999, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm làm Trưởng Ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch làm Phó Trưởng Ban thường trực và các thành viên là lãnh đạo của các bộ, ngành: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông-Vận tải, Văn hoá-Thông tin, Thương mại, Hàng không. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của địa phương. Với đặc điểm là một ngành kinh tế tổng hợp, việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do một Phó Thủ tướng đứng đầu thể hiện sự thay đổi về nhận thức trong quản lý du lịch, nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo phối hợp liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chủ trì phiên họp lần thứ ba Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, tháng 4/2000. Ảnh tư liệu
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo, xem xét dự thảo Pháp lệnh Du lịch để ban hành. Ngày 8/2/1999, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Du lịch và ngày 20/2/1999 Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh Du lịch. Đây là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực du lịch tại thời điểm đó, thể chế hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch.
Về chiến lược ngành, ngày 22/7/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có chiến lược phát triển du lịch dài hạn, trong đó xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đánh dấu tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà.
Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch được triển khai thực hiện trong 2 năm 2000-2001 với tiêu đề "Việt Nam - Điểm đến của Thiên niên kỷ mới". Thành công của chương trình là cơ sở để ngày 21/3/2002 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2002-2005.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thăm và làm việc với Tổng cục Du lịch ngày 11/8/2003. Ảnh tư liệu
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, việc triển khai thực hiện Thông báo Kết luận 179-TB/TW của Bộ Chính trị đã mang lại những kết quả rất quan trọng: nâng cao nhận thức các cấp, ngành, xã hội về vai trò du lịch trong phát triển kinh tế; ra đời Pháp lệnh Du lịch; thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch; Lần đầu tiên có chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và ra đời Chương trình Hành động quốc gia về du lịch. Đây là cơ sở nền tảng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch trong những năm sau đó.
Nhờ đó, Du lịch Việt Nam đã chặn được đà giảm sút do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại chính khu vực châu Á giai đoạn 1997-1998, khôi phục và duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, từng bước hội nhập du lịch khu vực và thế giới, phát huy vai trò là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước./.
Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL)