Non nước Việt Nam

Ngoạn cảnh chùa Linh Tiên (Quảng Ngãi)

Cập nhật: 10/06/2020 10:02:00
Số lần đọc: 874
Ở Quảng Ngãi, nói đến những ngôi chùa cổ nổi tiếng phải kể có chùa Thiên Ấn, chùa Diệu Giác. Chùa Linh Tiên cũng rất cổ, không nổi tiếng bằng, nhưng lại có những nét riêng mà các chùa khác không có.

Khách đến vùng biển cửa Sa Cần, đi bờ đông thuộc địa hạt xã Bình Đông (Bình Sơn), dọc bờ sông đã xây dựng bờ kè, có các quán nổi lên ở mép sông, rải rác có các tảng đá nổi giữa sông, với các ngọn đồi nhô lên trên bờ, chính là vùng có chùa Linh Tiên.         

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch của GS.Trần Nghĩa từ bản sách mang ký hiệu A.69/9, Q.6 lưu tại thư viện Hán Nôm) có ghi về chùa này, nhưng không gọi là chùa Linh Tiên mà gọi là chùa Tân Hy (lấy tên xã sở tại gọi tên chùa) và ghi: “Năm Tự Đức thứ 5 (1852), người trong làng đào đất nhặt được pho tượng đầu voi mình người bằng đá trắng, lại được hai viên đá tròn to như quả trứng ngỗng, rất trơn, đem về thờ ở chùa, gọi là “trứng Phật”.

Theo tài liệu ở địa phương, chùa Linh Tiên lập năm 1545 bởi dòng họ Ngô Công từ Nghệ An vào nơi đây sinh cơ lập nghiệp, phát nguyện lập am thờ Phật trên đỉnh núi, bởi ông tổ dòng họ Ngô Công là Ngô Công Đường và con là Ngô Công Từ. Núi thời bấy giờ còn hoang sơ, chung quanh chưa có cư dân, các thú rừng rất nhiều, có cả hang cọp dưới chân núi. Thiền sư ngày đêm tụng kinh niệm Phật, cọp bỏ đi. Người dân cùng góp công xây chùa, rồi cũng từ ấy gọi núi này là núi Chùa, gọi vùng dân cư quanh đấy là xóm Đồng Chùa. 

Núi ở đây thực tế là rất thấp, nhưng lại nằm gần cửa biển nhiều bão tố, nên các công trình kiến trúc phải thích ứng mới đứng vững. Năm 1609, bão quét, chùa phải dời xuống lưng chừng núi. Năm 1724, chùa lại chuyển dời đến vị trí thấp hơn. 

Tương truyền năm 1726, trong khi đào giếng người ta phát hiện ra một cốt tượng bằng đá xanh, hai trứng đá hình bầu dục, tượng mình người đầu voi (tượng Ganesa trong tín ngưỡng Chăm). Pho tượng này thuộc phong cách Mỹ Sơn E1 thế kỷ VIII - IX. Hai quả trứng đá đã bị mất cắp. Tượng Ganesa hiện vẫn còn thờ trong ngôi chùa. 

Chiếu với niên đại được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí (trích ở trên), ta thấy có một sự chênh lệch lớn về niên đại (1726 thay vì 1852), rất khó để xác định niên đại cụ thể nào là chính xác, nhưng cũng cho thấy sự xác thực của tượng Ganesa và các hòn đá hình trứng được đề cập và đã được chú ý ghi chép từ xưa.

Xã Bình Đông thời chiến tranh bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chùa Linh Tiên lại phải trùng tu, xây dựng nhiều lần. Cho đến trước khi xây dựng KKT Dung Quất thì ngôi chùa có tên là “Chùa Phật giáo xã Bình Đông”, ghi bằng chữ quốc ngữ ở phía trước chùa. Vỏ ngoài của chùa là kết quả của lần trùng tu sau chiến tranh.

Do dự án nhà máy công nghiệp, năm 2013 chùa Linh Tiên đã chuyển đến xây dựng mới ở thôn Tân Hy 2, trong khi ngôi chùa cũ vẫn  còn ở thôn Tân Hy 1. Chùa tổ chức hiệp kỵ ngày Mồng Mười tháng Tư hằng năm. Chùa mới rộng rãi, thoáng đãng, gần bến sông.

Chùa Linh Tiên là một trong những dấu tích đáng chú ý về kiến trúc tôn giáo ở khu vực đông Bình Sơn. Ngôi chùa bố trí mặt bằng theo hình chữ Tam, gồm ba nhà: Tiền đường, chánh điện, hậu cung. Trong nội thất chùa còn 20 pho tượng gỗ, đồng, 1 pho tượng đá. Pho tượng lớn nhất là pho tượng Phật Thích Ca, bằng đồng, các pho tượng khác có cỡ vừa và nhỏ, bằng đồng hoặc gỗ, một số có thể có niên đại khá sớm, có thể là thế kỷ XVI - XVII, được cúng cho chùa bởi nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó còn có tượng Ganesa, được đặt ở bên phải của các tượng Phật./.

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT