Ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi bên dòng Kỳ Cùng
Chùa Thành nằm ven sông Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 15 dưới thời Lê Sơ, ngôi chùa có tên gọi là Hương Lâm Tự, sau đổi tên là Diên Khánh tự rồi Tuần Khánh Tự. Đến năm 1796, ngôi chùa được dời về vị trí hiện nay (cách vị trí cũ khoảng 200m) và một lần nữa mang tên Diên Khánh Tự. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn biết đến cái tên giản dị "chùa Thành", bởi chùa nằm ngay cạnh ngôi thành cổ.
Chùa Thành là một tổng thể kiến trúc xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.
Chùa Thành Lạng Sơn là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật vô cùng đặc biệt theo kiểu "nội công - ngoại quốc" gồm 8 gian lớn nhỏ và được tu bổ, trùng tu thường xuyên nên luôn giữ được vẻ uy nghi cũng như những kiến trúc độc đáo cho tới tận ngày nay. Tam quan thiết kế chồng diêm, ngói mũi hài và đầu đao cong vút; mái chùa được chạm khắc các linh vật Long - Ly - Quy - Phượng với hệ thống cột đỡ bằng gỗ lim nguyên khối.
Trong chùa còn lưu giữ hơn 50 pho tượng đồng nguyên khối được điêu khắc tinh xảo và hoàn mỹ. Bên cạnh đó, các hoành phi, câu đối của chùa cũng được bảo quản cẩn thận dù đã trải qua hàng trăm năm. Đặc biệt, trong chùa hiện còn lưu giữ quả chuông nặng 600 kg được đúc từ năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) dưới triều vua Lê Huyền Tông và tấm bia Diên Khánh tự bi ký (Bài ký bia chùa Diên Khánh) dựng năm 1796 dưới triều vua Cảnh Thịnh. Đến với chùa Thành, du khách thập phương còn được chiêm ngưỡng pho tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni thiền định, nặng hơn 30 tấn...
Toàn bộ hệ thống tượng thờ (gồm 53 pho tượng lớn, nhỏ) của chùa Thành được đúc bằng đồng nguyên khối. Năm 2007, hệ thống tượng thờ này đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam”.
Hiện chùa Thành cũng là nơi đặt trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn. Hàng năm, nơi đây cũng là địa điểm tổ chức rất nhiều sự kiện trọng đại của Phật giáo như Lễ Vu Lan, Lễ Phật đản...
Anh Hoàng Minh Vũ, người dân thành phố Lạng Sơn chia sẻ: “Từ hồi bé thì tôi đã được ông bà, bố mẹ cho tới ngôi chùa này để chiêm bái, vãn cảnh, khi lớn lên rồi thì tôi và gia đình vẫn giữ nguyên thói quen này. Không chỉ đối với riêng cá nhân tôi mà với rất nhiều người, ngôi chùa này không chỉ là một điểm du lịch tâm linh mà còn mang một giá trị văn hóa, ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn”.
Người dân và du khách đi lễ chùa Thành dịp đầu xuân năm mới.
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, Trụ trì chùa Thành cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng trong công tác quản lý để chùa đẹp về cảnh quan, trang nghiêm về thờ tự, thực hiện tốt việc giữ gìn, duy tu, bảo dưỡng chùa. Trong chùa hiện nay bao hàm đầy đủ những yếu tố của một ngôi chùa cổ thuần Việt, đẹp về kiến trúc, đẹp về văn hóa, đẹp về lịch sử và rất linh thiêng. Mong rằng quý khách đến Lạng Sơn hãy đến với chùa Thành một lần, để nghe tiếng chuông chùa vọng bên con sông Kỳ Cùng chảy ngược. Giữa bao la điệp trùng sơn thủy của miền địa đầu Tổ quốc chúng ta sẽ thấy yêu hơn đất nước Việt Nam, biết trân trọng những giá trị hôm nay chúng ta đang có mà tổ tiên để lại, để mọi người có ý thức trách nhiệm cùng chung tay giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc”.
Theo nhận định của TS Hoàng Văn Páo - Chủ tịch Hội Di sản Lạng Sơn, chùa Thành sở hữu những giá trị thực sự hiếm có và độc đáo. Đây cũng là một biểu tượng văn hóa khi nằm trong quần thể di tích lịch sử "Kỳ Cùng thạch độ", là một biểu tượng của tỉnh Lạng Sơn nói chung và trong lòng nhân dân nói riêng. Ngôi chùa này cũng được coi là cột mốc văn hóa về tín ngưỡng Phật trong lòng nhân dân. Ngoài ra, chùa Thành tạo điểm nhấn để thu hút du khách tới khám phá kho tàng văn hóa khổng lồ của tỉnh Lạng Sơn.
Những ngôi chùa vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa người dân với lối sống cộng đồng, nhân ái và giữ gìn các giá trị văn hóa, đạo đức, làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Tại Lạng Sơn, chùa Thành có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nơi đây thu hút rất đông nhân dân, du khách thập phương đến tham quan, lễ Phật, cầu phúc cầu an, cũng như đến để chiêm ngưỡng một di tích quốc gia với những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo./.
Duy Thái