Non nước Việt Nam

Ngôi đình cổ ở miền quê văn vật (Bắc Giang)

Cập nhật: 14/05/2020 14:11:36
Số lần đọc: 944
Phúc Long là một làng nằm bên bờ tả một con sông cổ chạy giữa vùng đồng bằng trũng thấp gần chân núi Nham Biền. Sông này xưa sâu rộng, thuyền bè nhỏ thường đi lại chuyên chở hàng hóa qua cửa Đồng Quan - Cống Bún vào tổng Hoàng Mai nhưng nay lòng sông thu hẹp, bồi đắp trở thành sông chết chỉ còn dấu vết là những ao hồ, chuôm trũng.


Đình Phúc Long. Ảnh: Hữu trình

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Phúc Long thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, nay là thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Là một làng quê thuần Việt với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, Phúc Long có tổ chức xã hội tương đối chặt chẽ, dân cư ổn định. Người dân nơi đây luôn sống hòa thuận, đoàn kết. Sinh hoạt làng xã được quy ước theo từng giáp, từng xóm. Sau này, người dân Phúc Long còn sáng tạo ra nhiều công trình kiến trúc, xây dựng mà nay đã trở thành di sản văn hóa, tiêu biểu nhất là ngôi đình làng được xây dựng từ nửa sau thế kỷ XVII.

Đình nằm ở trung tâm làng Phúc Long, nhìn theo hướng Tây Nam, xa hơn là dải Nham Biền án ngữ. Tòa đại đình gồm 3 gian 2 dĩ, bước gian rộng nên trông hình dáng bên ngoài rất bề thế, vững chãi. Mái đình thấp vươn tỏa ra không gian rợp bóng cây xanh đại thụ. 

Đình còn giữ được tương đối nguyên vẹn bờ nóc, bờ chảy và 4 đầu đao cong bay bổng, thanh thoát. Bờ mái đắp hình rồng chầu mặt trời, bờ dải có hình nghê chầu. Qua bậc tam cấp xây đá xanh, ta vào đình theo cửa chính ở gian giữa, các gian bên xây tường gạch cánh phong.

Đình Phúc Long được kết cấu theo kiểu thức truyền thống: Khung gỗ lim 3 gian 2 dĩ; các vì theo lối cốn trụ, con chồng giá chiêng. Toàn bộ khung cột chịu lực bằng gỗ lim của đình Phúc Long được để trần, không sơn son thếp vàng.

Đình Phúc Long có vẻ đẹp nổi trội hơn cả là các chi tiết chạm khắc trên các cấu kiện kiến trúc. Các đồ án trang trí đã phô diễn tất cả sự tinh tế, tài khéo của những người thợ dựng đình, những nghệ nhân dân gian xưa mà hình như ngày nay không còn thế hệ kế truyền. 

Phần trang trí, chạm khắc mà phổ biến là các bức chạm nổi, chạm kênh bong các hình tứ linh, tứ quý với các biến thể rồng, nghê, phượng, mặt hổ phù, long hóa, ly hóa… vô cùng phong phú sinh động, mang đậm nghệ thuật dân gian hồn nhiên, phóng khoáng. Hòa quện vào cách trang trí khuôn mẫu của triều đình phong kiến. ở đình Phúc Long có nhiều hình ảnh về cỏ cây, hoa lá, các con vật quen thuộc như chim, ngựa, sóc, cá và đặc biệt là hình người ở các tư thế khác nhau: Người cưỡi long mã, người cưỡi nghê tay túm đuôi rồng… 

Đến đình Phúc Long chúng ta được chứng kiến xu hướng nghệ thuật dân gian truyền thống, kết hợp chặt chẽ với kiến trúc nghệ thuật cung đình tạo nên tính phong phú, đa dạng của các bức chạm.

Phần nội tự đình Phúc Long hiện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật. Đó là các bức đại tự thời Lê hiếm gặp, dân làng tạo tác để phụng thờ Nhuệ Quận công -người có công tạo dựng đình làng. Rồi 8 ngai thờ thời Lê thờ các vị thành hoàng làng vẫn ánh màu vàng son… 

Theo tài liệu văn bia còn lại của làng, niên hiệu Tự Đức thứ 29 (1876) cho biết, đình Phúc Long thờ 6 vị đại vương và một vị anh hoa công chúa có công lớn với dân với nước đó là: Đương cảnh thành hoàng Sứ cung, Đương cảnh thành hoàng Phương Dung công chúa, Đương cảnh thành hoàng Quý Minh đại vương, Đương cảnh thành hoàng Quảng Tế đại vương, Đương cảnh thành hoàng Thánh Đức đại vương, Đương cảnh thành hoàng Tướng Gia đại vương…

Đình Phúc Long thờ tám vị thần âm phù linh ứng, giúp dân đánh giặc giúp nước, bảo vệ cho dân làng trong quá trình mở đất và xây dựng, phát triển làng xã. Ngoài ra nhân dân Phúc Long còn thờ phối hưởng Nhuệ Quận công, người bản quán, một võ quan thời Lê - Trịnh có công trong việc tu dựng đình làng.

Đình Phúc Long cũng là trung tâm hành lễ và tổ chức các tiết lệ, hội lễ hàng năm của dân làng. Trong năm, làng tổ chức một số tiết lệ chính của làng: Ngày 15 tháng Giêng là ngày dân làng làm lễ cầu mát tại đình với ước mong dân an vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Mùng 5 tháng 5 là tiết hạ điền, dân làng làm lễ tế vua Thần Nông ở đình. Mùng 10 tháng 7 là ngày giỗ Đức Cụ, tức lê Lê Tướng công. Ngày 15 tháng 8 là ngày vào đám, dân làng tổ chức tế lễ, mở hội vui vẻ.

Với các giá trị đặc sắc và tiêu biểu của công trình, năm 1993 đình Phúc Long đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia./.

Nguồn: Báo Bắc Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT