Người “giữ lửa” cho cộng đồng Tày ở Nghĩa Đô (Lào Cai)
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi (người đứng) trò chuyện với bà con về văn hóa dân gian. Ảnh: NGỌC THANH
Hành trình không ngừng nghỉ
Trên đường tới Bản Rịa, chúng tôi gặp những thiếu nữ đang giặt vải và vui đùa bên suối, họ nói chuyện và hát bằng tiếng Tày. Thấy khách trầm trồ, ngạc nhiên, một cô gái hồ hởi “phiên dịch”: “Em gái làm được nhiều chăn hoa/ Anh tìm từ lâu nay mới gặp/ Em gái có nhiều tấm chăn hồng/ Ở tận nơi đâu anh cũng tìm bằng được”; “Hở nũm tiền nơi khoeo/ Eo thắt đáy con mạ/ Má ửng hồng bồ quân/ Thân dong dỏng duyên dáng/ Tóc uốn dáng đuôi gà/ Mắt liếc mòn đá suối”...
Xã Nghĩa Ðô có hơn 200 ngôi nhà sàn quần tụ dưới thung lũng, bên bờ suối Nậm Luông, một không gian bình yên, bản sắc. Hỏi ra, nghệ nhân Ma Thanh Sợi (sinh năm 1944) là người đã dạy cho bà con những câu hát cổ mê đắm lòng người. Ông nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ðô, cũng là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) duy nhất ở xã, sở hữu nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày.
Kể về cơ duyên gắn bó với văn hóa truyền thống, NNƯT Ma Thanh Sợi chia sẻ, ngay từ nhỏ ông đã được sống trong không gian văn hóa Tày đầy thơ mộng và sâu lắng. Lớn lên, từng câu chuyện cổ, câu đố, tục ngữ, dân ca và tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng của cộng đồng đã thấm sâu vào tâm hồn, tạo cho ông niềm say mê đặc biệt. Ðó chính là nền tảng đưa ông đến với con đường sưu tầm nghiên cứu và truyền dạy. Ðể thực hiện mơ ước, từ năm 1954, Ma Thanh Sợi bắt đầu quá trình tìm hiểu, ghi nhớ ngữ văn dân gian (truyện cổ tích, dân ca, câu đố, tục ngữ...) và tập quán xã hội của người Tày. Bấy giờ, Nghĩa Ðô có nhiều người già am hiểu văn hóa dân tộc, ông đã tìm đến 15 thầy, tha thiết bày tỏ mong muốn được nghe, được học. Hầu hết những người thầy năm xưa giờ đã không còn nữa... Nhờ các bậc tiền nhân, ông đã tích lũy được kho kiến thức khá đồ sộ về văn hóa dân tộc mình.
Hơn hai mươi năm (1960 - 1981), nghệ nhân Ma Thanh Sợi xa quê hương, nhận công tác tại Phòng Giáo dục huyện Văn Bàn rồi nhập ngũ, vào bộ đội, lòng vẫn đau đáu khôn nguôi. Thế nên, năm 1982, vừa trở về, cùng quá trình lao động sản xuất, ông miệt mài sưu tầm, thực hành văn hóa. Thay vì sử dụng phương thức truyền miệng, ghi nhớ, giai đoạn này ông chủ động ghi chép, phối hợp các ban, ngành trong xã tuyên truyền, vận động bà con tích cực giữ gìn bản sắc.
Chúng tôi hỏi nghệ nhân về bí quyết trong thực hành và truyền dạy di sản văn hóa khi đối tượng học viên đa dạng về lứa tuổi, ngành nghề... ông Ma Thanh Sợi khiêm tốn cho rằng, chỉ cần có lòng đam mê, không ngại học hỏi thì ắt tìm ra phương pháp. Từ năm 1965 đến 1975, ông dạy học ở các xã trong huyện Văn Bàn, vừa giảng dạy, vừa chú trọng truyền đạt văn hóa dân gian cho học sinh. Các em rất thích nghe thầy kể chuyện, hát dân ca. Ðam mê của ông được nhà trường và chính quyền địa phương khích lệ. Ngoài giờ dạy học, về thôn bản, ông lại tập hợp nhóm các cháu nhỏ ngồi quây quần bên bếp lửa nghe chuyện dân gian, giảng giải những bài học nhân nghĩa, nhân văn trong cuộc sống. Thấy hay, nhiều gia đình trong thôn xóm đưa con đến xin học. Ngoài ra, ông trực tiếp thực hành và hướng dẫn mọi người hát dân ca giao duyên trong đám cưới, thực hành tín ngưỡng ở các lễ hội và truyền đạt kinh nghiệm dân gian khi cùng bà con trồng trọt, chăn nuôi, lên rừng tìm cây thuốc…
Giai đoạn ông Ma Thanh Sợi chuyển công tác sang làm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Ðô cũng là thời điểm ông chuyên sâu nghiên cứu, khai thác thông tin từ cộng đồng một cách mạnh mẽ làm cho kho tàng ấy trở nên dày dặn và giá trị. Người dân địa phương cho biết, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã nghiên cứu và thực hành văn hóa liên tục, chưa khi nào ngừng nghỉ. Năm 1999, ngay khi nghỉ hưu, ông xin xã cho mở lớp truyền dạy văn hóa dân gian. Thời điểm ấy, người ta tập trung làm kinh tế, văn hóa người Tày nói riêng và văn hóa các dân tộc nói chung đang có nguy cơ mai một. Ðược chính quyền ủng hộ, ông đi vận động từng gia đình cho con em tham gia lớp học miễn phí của mình. Tùy theo đam mê, sở thích của từng học sinh, ông phân nhóm để chọn phương pháp truyền dạy phù hợp. Ban đầu, lớp học chỉ có khoảng năm, bảy học sinh, sau lên tới 30 học sinh. Tính đến nay, ông mở được khoảng 15 lớp, truyền dạy cho hơn 200 học sinh nhiều thế hệ, trong đó có những học trò tiêu biểu, như: Ma Thị Tắt (sinh năm 1962), Nguyễn Thị San (1966), Ma Thanh Sua (1969), Ma Ba Zin (1985)…
Ðau đáu với tương lai...
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi tuổi đã cao nhưng rất minh mẫn. Nhiều năm qua, ông tự học và trang bị máy tính để lưu trữ dữ liệu từ 2.760 trang bản thảo chép tay. Tính đến nay, ông sưu tầm được 25 truyện cổ, 222 câu đố, các phong tục làm nhà, cưới, sinh đẻ, các món ăn, các loại bánh, tập quán hái lá thuốc chữa bệnh; tìm ra sự độc đáo của câu nói Tày Nghĩa Ðô không nơi nào có được; dành nhiều công sức nghiên cứu lịch sử ngôi đền thiêng thờ chúa Bầu dưới chân núi Khau Rịa...
Ðồng thời NNƯT Ma Thanh Sợi là cộng tác viên tích cực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai; Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bảo Yên trong công tác sưu tầm, biên soạn sách, tư vấn về văn hóa, giáo dục. Ðáng chú ý, ông đã đóng góp thông tin xây dựng các bộ hồ sơ khoa học về: Nghi lễ Then Tày Lào Cai đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2012) và hồ sơ Then Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2016); xuất bản khoảng năm đầu sách nghiên cứu về văn hóa, phong tục, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Nghĩa Ðô; sưu tầm, biên soạn khoảng 50 chuyên đề chuyên sâu về văn hóa. Không chỉ nhận được tình cảm tin yêu, kính trọng ở địa phương, nghệ nhân Ma Thanh Sợi còn là nhân vật gắn bó với nhiều đoàn sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh, phóng viên báo, đài mỗi dịp đến tỉnh Lào Cai để khai thác, tìm hiểu về di sản văn hóa. Ðược ông truyền cảm hứng, những năm gần đây, nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh là người Lào Cai đã thực hiện nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương mình trên nhiều lĩnh vực với các khóa luận, luận văn, luận án.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã gặt hái được nhiều thành tích, như: Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa dân gian các năm 2005, 2009, 2016; bằng công nhận phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2009; Huy hiệu Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Lào Cai. Năm 2019, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhờ những cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, Nguyễn Anh Chuyên chia sẻ, vùng đất Nghĩa Ðô còn khá nguyên vẹn về giá trị văn hóa, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Những nhân tố như nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã góp phần giữ lửa, truyền lửa cho nhiều thế hệ, giúp bà con nhân dân nhận thức sâu sắc được giá trị văn hóa của dân tộc và chung tay bảo tồn, phát huy. Ðịa phương đã có các nghị quyết, chuyên đề cụ thể cho từng giai đoạn nhằm bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực. Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi ước tính, riêng vùng Nghĩa Ðô, đã có khoảng 30 câu chuyện cổ tích của người Tày, 45 bài hát dân ca, ca ngợi quê hương, tình yêu con người và cuộc sống; hơn 200 câu đố, 850 câu tục ngữ. Ðó quả là kho tàng quý giá về văn hóa. Ông muốn những người trẻ tuổi của quê hương được học hành đến nơi đến chốn, cống hiến cho làng bản, xóm thôn. Những tài liệu ông tích lũy vẫn còn nhiều điều chưa truyền dạy hết và công việc ấy cần tiếp nối bằng nhiều quyết tâm. Bên cạnh đó, còn bao nhiêu trầm tích văn hóa, nét đẹp cộng đồng, các lễ hội, thực hành tín ngưỡng... cần được khôi phục. Nghề dệt thổ cẩm, đan lát, thủ công khác đã mai một; các làn điệu dân ca dân vũ như hát cọi, hát then, hát lượn và nhạc cụ dân tộc như đàn tính, sáo trúc, trống, kèn... cần không gian, con người phục dựng. Và đặc biệt, những danh thắng, di tích lịch sử Thành cổ Nghị Lang, phế tích Ðồn Nghĩa Ðô, di tích Ðền Nghĩa Ðô... đang có phần lặng lẽ sau thời vàng son gắn với công cuộc giữ đất giữ nước, chiến thắng lẫy lừng cần sự quan tâm hơn nữa từ cộng đồng và chính quyền địa phương để giá trị ký ức, lịch sử còn mãi với thời gian.