Non nước Việt Nam

Người Khmer ở Trà Vinh và khát khao giữ gìn bản sắc văn hóa, chữ viết

Cập nhật: 07/09/2022 10:10:46
Số lần đọc: 1164
Giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết với cộng đồng 1,3 triệu đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Trà Vinh nói riêng là nhu cầu chính đáng.

Với hơn 390.000 người Khmer, chiếm hơn 31% dân số, người Khmer ở Trà Vinh có một đời sống tinh thần phong phú, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi truyền từ đời này sang đời kia. Nhưng có lẽ, việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết đối với họ có một ý nghĩa quan trọng. Đó là nhu cầu tự thân, nhu cầu chính đáng và Nhà nước đã giúp họ thực hiện ước nguyện của mình.

Một lớp học chữ Pali Khmer ở chùa Ông Mẹt- TP Trà Vinh.

“Tôi đã khóc khi trường Trung cấp Pali Khmer ra đời”

NSƯT Thạch Sang Sết (Biên đạo múa dân tộc) ở phường 7, thành phố Trà Vinh là một người khá nổi tiếng trong cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh. Hơn ai hết, ông là người đau đáu với việc gìn giữ bản sắc bản sắc, gìn giữ tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Bắt đầu nổi tiếng bằng việc sáng tác ca khúc bằng tiếng Khmer, sau đó chuyển tải thành thơ, rồi ông tự thấy trách nhiệm rất lớn của mình trong việc bảo tồn vốn văn hóa dân tộc.

“Năm 2013, Tỉnh ủy Trà Vinh đã cho phép Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ra Đặc san văn nghệ Khmer. Tôi chịu trách nhiệm biên soạn, biên tập, xuất bản Đặc san văn nghệ Khmer ở Trà Vinh - đặc san duy nhất dùng chung cho người Khmer ở Nam Bộ với rất nhiều tác giả ở trong và ngoài tỉnh. Đến hôm nay, chúng tôi đã xuất bản được 31 số…”- NSƯT Thạch Sang Sết rất hào hứng cho biết.

Nghệ sỹ Thạch Sang Sết

Ông Thạch Sang Sết cũng là thành viên trong Ban biên soạn từ điển Việt - Khmer do Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục - Thanh niên Campuchia thực hiện. Ông kể: “Từ năm 2014, tôi tính làm một mình cuốn từ điển bằng 3 thứ tiếng là Việt- Anh- Khmer, khoảng 2000 trang. Tôi đã biên soạn được hơn 1000 trang thì có dự án phối hợp giữa hai nước, biên soạn từ điển bằng hai thứ tiếng. Tôi được mời tham gia Ban soạn thảo và mất hơn 1 năm để ra mắt cuốn từ điển này”.

Cho đến nay, nghệ sĩ Thạch Sang Sết đã xuất bản hơn 10 đầu sách về văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán, lễ nghi của người Khmer. Ông cũng có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng vấn đề mà ông quan tâm nhất vẫn là việc giữ gìn chữ viết của người Khmer. Bởi theo ông, người Khmer rất coi trọng tiếng nói và chữ viết. Họ quan niệm, nếu chữ mất thì dân tộc tan. Chữ vinh quang thì dân tộc thịnh. Họ tôn trọng chữ viết của mình đến mức, nếu họ đi vệ sinh mà nhìn thấy mảnh giấy có chữ Khmer, họ sẽ từ chối. Những thư tịch cổ tìm thấy trong những ngôi chùa ở Trà Vinh cho thấy, người Khmer đã có chữ viết từ rất lâu.

Trường Trung cấp Pali Khmer Trà Vinh

“Khi hay tin Trà Vinh cho phép thành lập trường Trung cấp Pali Khmer, tôi đã khóc. Tại sao tôi khóc? Tại vì xưa nay chưa từng có việc này, lần đầu tiên có trường đào tạo tiếng Pali Khmer bài bản như vậy, tăng sinh hoặc học sinh vào học ở đây, vừa có bằng tốt nghiệp PTTH, vừa có bằng tiếng Bali Khmer. Từ ngôi trường này, người Khmer chúng tôi sắp có tiến sĩ Phật học vì được đi du học Ấn Độ hay Sri Lanka”- Nghệ sĩ Thạch Sang Sết tự hào.

Ngày 7/4/2014, UBND tỉnh Trà Vinh phê chuẩn việc thành lập trường Trung cấp Pali Khmer. Đây là một dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với đồng bào Khmer ở Trà Vinh.

Ông Lâm So Rone - Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Pali Khmer cho biết: “Việc thành lập trường là nguyện vọng lớn nhất của các vị cao tăng, các vị lão thành cách mạng nghỉ hưu là người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.”

Trên thực tế, tiếng Khmer được giảng dạy ở 143 ngôi chùa trong tỉnh. Tại những vùng có đông đồng bào Khmer, tiếng Khmer được dạy chính thức trong các trường tiểu học. Lên bậc phổ thông (THCS và THPT), tiếng Khmer được dạy trong các trường dân tộc nội trú. Tuy nhiên, tiếng Khmer, chữ Khmer được sử dụng hàng ngày trong đời sống. Còn tiếng Pali được sử dụng trong kinh phật, muốn hiểu kinh Phật phải biết tiếng Pali.

Khi các em học sinh phổ thông muốn học các lớp Pali từ lớp 6 đến 12 có thể tranh thủ học tại các chùa Khmer (học hết lớp 12 thì có bằng sơ cấp Pali Khmer). Tuy nhiên, để có bằng Trung cấp Pali Khmer rồi học tiếp lên cao đẳng, đại học, các em phải thi đỗ vào trường Trung cấp Pali Khmer.

Được thành lập từ năm 2014 đến nay, trường Trung cấp Pali Khmer Trà Vinh đã đào tạo được 6 khóa với 176 vị. 75 vị tiếp tục học đại học và cao đẳng, 20 vị làm trụ trì và phó trụ trì các chùa. Một số vị hoàn tục đi làm việc ở nước ngoài. Trường được Nhà nước hỗ trợ như mô hình trường dân tộc nội trú, học sinh được ăn, nghỉ tại trường.

Bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Khmer

Trà Vinh không phải là nơi có đồng bào Khmer đông nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL nhưng là nơi duy nhất đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer ở bậc Đại học. 10 năm nay, Trường Đại học Trà Vinh đã có khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Đây là khoa đào tạo đa ngành, đa cấp trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, có yếu tố đặc trưng về văn hóa, tôn giáo. Đây cũng là nơi duy nhất trên cả nước đào tạo chuyên môn văn hóa Khmer, là niềm khích lệ rất lớn đối với những trí thức người Khmer ở Nam Bộ cũng như cả nước.

“Việc thành lập khoa là một niềm tự hào, niềm vui lớn của đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Đây là nơi để gìn giữ văn hóa dân tộc, cả ngôn ngữ, cả văn hóa, đồng thời cũng là nơi tạo ra cơ hội việc làm cho các em sinh viên có niềm đam mê ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật của người Khmer. Đáng mừng hơn nữa là không chỉ người Khmer mà học sinh một số dân tộc khác cũng theo học ở đây như các em dân tộc S’Tiêng ở Bình Phước, dân tộc Kinh, dân tộc Hoa”- Thạc sĩ Thạch Thị Om Na Ra, giảng viên khoa Ngôn ngữ -Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam Bộ cho biết. Chị Om Na Ra đã công tác tại trường từ năm 2009.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa- Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, các em có rất nhiều cơ hội việc làm như làm phiên dịch viên, làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các công ty của Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia với mức lương rất tốt… Nhiều em chưa ra trường đã xin được việc làm. Ngoài việc miễn học phí, các em sinh viên còn được hỗ trợ sinh hoạt phí …Bên cạnh đó, trường cũng quan tâm đến hoạt động bảo tàng. Ngay ở khoa cũng có những phòng trưng bày, lưu giữ di sản văn hóa Khmer phục vụ cho công tác đào tạo.

 Giữ gìn bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết với cộng đồng 1,3 triệu đồng bào Khmer ở ĐBSCL nói chung và ở Trà Vinh nói riêng là nhu cầu chính đáng. Ở Trà Vinh, những đứa trẻ Khmer từ bậc tiểu học đã cảm thấy hạnh phúc khi được học chữ mẹ đẻ trong chùa. Bản sắc văn hóa được thể hiện trong nếp sống, trong sinh hoạt, trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trong kiến trúc chùa chiền…

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc lại có đặc trưng riêng. Chính quyền các địa phương trong khả năng của mình đã giúp các dân tộc vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… cũng là cách để giúp cho các địa phương phát triển ổn định, bền vững./.

Hương Giang

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 07/9/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT