Nhà hang động - kiến trúc cổ xưa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên
Mỗi gia tộc thường làm chung một nhà dài, quy mô dài ngắn bao nhiêu tùy theo tiềm lực của từng gia tộc. Nhà dài chứa từ năm, mười hộ cho đến hàng chục hộ, mỗi hộ đều có kho lúa và bếp nấu ăn riêng, của cải tài sản cũng phải quản lý riêng biệt từng hộ. Nét đặc trưng kiến trúc là nhà trệt, cửa ra vào thấp, cong vòm, người vào nhà như chui vào một cái hang động.
Vật liệu khai thác từ thiên nhiên, cột làm bằng cây gỗ tốt nhất, chôn dưới đất đến vài chục năm vẫn không bị mối ăn. Mái nhà lợp bằng lá mây đánh ghép hoặc bằng lá cỏ tranh đánh thành tấm. Sạp ngủ làm bằng tre đập dập, hoặc chẻ miếng kết bằng dây mây. Mỗi nhà chỉ có một vài cửa ra vào và cửa sổ nhà nên hơi tối. Cửa chính bố trí hai đầu, giữa nhà hoặc đầu hồi.
Theo quan niệm của đồng bào M’nông, nhà dài khỏi tốn phên che vách hông, vào mùa mưa đi lại từ hộ này sang hộ khác rất “tiện lợi”, bà con dòng họ được ở chung trong một mái nhà, nương tựa nhau. Gia đình gốc, tức là thế hệ đầu tiên ở giữa, cai quản các hộ thành viên - những gia đình mới tách hộ ở hai bên. Cách bố trí không gian trong ngôi nhà dài theo một trật tự được quy định: Kho lúa làm trên gác, phía dưới làm bếp nấu ăn, hai bên làm sạp ngủ, phía trên làm sạp dài liền nhau cả dãy nhà, phía dưới làm sạp từng hộ, để khoảng trống chừng bốn sãi để làm cửa và có chỗ để giã lúa khi trời mưa.
Nhà ở của người Cil, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Joseph Carrier
Kho lúa của hộ đặt cuối dãy nhà làm phía trong, phía ngoài cùng có khoảng trống để trổ cửa cá nhân. Kho lúa của hộ kế tiếp làm sát nhau, nối đuôi nhau. Ngay cửa ra vào có một bếp lửa dành cho đàn ông và khách, bếp lửa phía dưới kho lúa dành cho đàn bà con gái nấu ăn. Ngoài ra còn có bếp lửa trong phòng ngủ dành cho đàn bà có con nhỏ. Giường ngủ có giường ngắn chỉ dành cho cha mẹ và mấy em nhỏ, phía ngoài sạp dài nơi bếp nấu ăn dành cho con gái và ông bà ngủ, sạp phía trên ngay bếp cửa vào dành cho con trai và khách ngủ. Ngay cửa vào dưới mái nhà, phía trên có treo bàn thờ ông bà.
Đồ đạc, tài sản, vật dụng sinh hoạt và công cụ sản xuất được bố trí ở những vị trí quy định trong ngôi nhà. Trên đầu sạp/giường ngủ thường buộc một hàng ché to, ché nhỏ. Trên hàng ché to luôn treo thêm một hàng ché con, phía trên ché con treo bầu gạo và nồi nấu cơm. Bộ cồng chiêng treo sát vách phía trên hàng ché to, chăn chiếu treo trên đầu nằm, túi thổ cẩm cá nhân treo vào cột nhà. Những vật quý của gia đình được cho vào chiếc gùi có nắp để trên đầu nằm của ông bà hoặc cha mẹ. Chén đĩa và thức ăn để trên sạp, gần chỗ ngủ con gái và ông bà chủ nhà. Hai bên cửa ra vào đặt hai chuồng gà của hai hộ, phía dưới mái nhà ngay cửa ra vào là nơi cất ná và xà gạc. Hai bên cửa ra vào sát giường cha mẹ ngủ làm sạp chất bầu nước, phía dưới sạp là nơi để củi.
Kho lúa đều trổ cửa phía ngoài, mỗi kho lúa đều có thang riêng để bắt lên khi cần lấy lúa. Hai bên cửa kho lúa có đặt hai bồ lúa to đựng lúa giống và đựng lúa tiết kiệm, khi lúa trong kho đã hết mới lấy lúa trong bồ ăn. Cối và chày giã lúa cất phía ngoài hai bên cửa ra vào. Những chiếc gùi và nia treo trên bếp lửa, ngà voi đặt trên bếp lửa, bếp trong phòng ngủ và bếp phía dưới kho lúa, mỗi bếp kê ba hòn đá để bắc nồi nấu. Riêng bếp lửa ngay cửa vào không cần phải chôn đá, đồng bào chỉ chất củi to đốt cho sáng. Bàn thờ hồn lúa đặt phía sau kho lúa, ngay cửa ra vào. Lúc tổ chức lễ hội, trước khi ăn uống phải phết rượu và máu lợn, gà, trâu, bò vào đá bếp, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ đầu dê, đầu vịt và bụi ngải trồng phía sau nhà để các thần phù hộ cho gia đình.
Cuộc sống thường ngày trước cửa nhà dài của dân tộc M'nông. Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Nhà dài của các dân tộc nam cao nguyên mang dấu tích cư trú của các bộ tộc nguyên thủy. Khi chưa có nhà cửa, họ cư trú nơi hang động. Nhà hang động của đồng bào cũng là sự lựa chọn để thích nghi với môi trường thiên nhiên, chống đỡ với thời tiết lạnh giá vào mùa mưa và những cơn gió cao nguyên thổi rát suốt mùa khô. Hiện nay, loại hình kiến trúc cổ truyền này của các dân tộc không còn nữa. Ta có thể thấy hình ảnh của các kiểu nhà này trong ảnh tư liệu hay mô hình phục dựng ở các bảo tàng, khu du lịch. Nhà nhân chủng học người Mỹ Joseph Carrier đã để lại nhiều bức ảnh tư liệu về kiến trúc Tây Nguyên trong thời gian làm việc cho tập đoàn RAND (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Tây Nguyên) từ năm 1962 - 1973, trong đó có loại hình nhà hang động của người Cil ở Lâm Đồng.
Với nét kiến trúc và tập quán cư trú độc đáo, một số nhà dài cửa giống hang động đã được phục hồi ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước - nơi sinh sống của đồng bào M’nông, Mạ, Cil, Kơ Ho... Đây là những công trình, bảo tàng lưu giữ kiến trúc cổ xưa của các dân tộc Tây Nguyên.
Tấn Vịnh