Về Tân An (Long An) thăm những công trình văn hóa, di tích lịch sử
1. Tân An không chỉ là thành phố trực thuộc tỉnh mà còn là một trong những đô thị vệ tinh của TP.HCM. Từ bao đời nay, Tân An có vị thế quan trọng về đường thủy lẫn đường bộ, trong đó, có cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 62,... Đường đến Tân An khá thuận lợi, vì vậy, nếu du khách yêu thích sự cổ xưa, có thể chọn cho mình chuyến đi “theo dòng lịch sử” bằng cách viếng thăm: Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Nhà Tổng Thận, lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức,...
Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được đặt ở vị trí cửa ngõ vào TP.Tân An
Nhắc đến Công viên tượng đài, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến biểu tượng của Long An. Đây là công trình đồ sộ và ý nghĩa, nằm trên tuyến Quốc lộ 1, thuộc phường 5, nơi cửa ngõ vào TP.Tân An. Chính vì vậy, những người xa quê đã nói rằng, nhìn thấy Công viên tượng đài là biết đã tới nhà; còn với người ngoài địa phương, khi thấy hình ảnh quen thuộc với nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ sừng sững hiện ra là biết đã đến địa phận của Long An. Tại Công viên tượng đài, du khách được chiêm ngưỡng 2 bức tranh “lao động - sản xuất” ghép từ các mảnh gốm đầy tính mỹ thuật. Bên trong quần thể tượng đài là không gian trưng bày với 8 hộp hình tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân trên mảnh đất Long An hiền hòa, bình dị nhưng rất đỗi hào hùng. Điển hình là phần tái hiện hình ảnh người dân bơi xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc với sự che chắn của rừng dừa nước hay hình ảnh cứu thương cho bộ đội,... Đặc biệt là phần tái hiện sự kiện dân công hỏa tuyến làm “cầu người” vận chuyển thương binh gây nhiều ấn tượng cho khách tham quan.
Số hóa di tích lịch sử tại Nhà Tổng Thận
Trở lại trung tâm thành phố, tại phường 1, du khách có thể tham quan các di tích lịch sử cấp tỉnh: Miếu Quan Thánh Đế, Nhà Tổng Thận, Nhà thuốc Minh Xuân Đường. Nằm dọc bờ sông Bảo Định, tại số 19, đường Ngô Quyền chính là di tích Nhà Tổng Thận. Đến đây, du khách có thể thỏa đam mê chụp ảnh của mình với không gian cổ kính, trước đây là ngôi tư gia của ông Trần Khắc Thận, xuất thân trong gia đình vọng tộc thân Pháp. Cuối thế kỷ XIX, ông được thực dân Pháp bổ nhiệm về tỉnh Tân An làm Cai tổng, tổng Thạnh Hội Thượng. Khoảng năm 1892-1893, ông cho xây ngôi nhà theo kiểu kiến trúc biệt thự Pháp. Kể từ đó, người Tân An thường gọi đây là “nhà Tổng Thận”. Đây còn là trụ sở hoạt động công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhà Tổng Thận được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1998. Hiện nay, DTLS Nhà Tổng Thận được số hóa nên rất thuận tiện cho du khách tìm hiểu về nơi này.
Theo Bí thư Thành Đoàn Tân An - Nguyễn Thanh Phúc, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành Đoàn, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố phối hợp thu thập dữ liệu, khảo sát địa điểm, xây dựng mã QR có chứa thông tin, lịch sử của các công trình. Khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet và quét mã QR là có thể xem được nhiều dữ liệu, hình ảnh được tích hợp trong đó.
2. Cách trung tâm TP.Tân An chừng 3,5km về phía Tây, lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ và đền thờ Kiến Xương Quận công. Đến với di tích tại phường Khánh Hậu này, du khách chắc chắn sẽ ấn tượng với một công trình kiến trúc cổ tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Lăng mộ được xây dựng theo lối kiến trúc đầu đời Nguyễn. Đặc biệt, bên trong đền thờ có bàn thờ hổ với bộ da hổ nhồi trấu, tượng trưng cho “Hổ tướng” Nguyễn Huỳnh Đức - khai quốc công thần của triều Nguyễn. Tấm lòng trung hiếu của ông còn được đời sau ca tụng qua nhiều câu thơ: Quận công Huỳnh Đức nghĩa trung/ Cảm lòng chúa Nguyễn, Quang Trung mến tài/ Hổ tướng có một, không hai/ Người đầy dũng mãnh mấy ai sánh bì?/ Một lòng thề nguyện khắc ghi/ Phò vua vượt khó sá chi thân mình/ Qua khốn khổ đến bình minh/ Công trạng như núi hiển vinh muôn đời.
Bên trong đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức còn lưu giữ các sắc phong, chế phong, chiếu của các triều Nguyễn ban tặng cùng câu đối, hương án, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa
Tiến sĩ Lê Hữu Phước - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, cho biết, ông đã dành thời gian nghiên cứu về vùng đất Tân An xưa, trong đó rất ấn tượng bởi “Hổ tướng” Nguyễn Huỳnh Đức. Ông cho rằng, tìm hiểu về Nguyễn Huỳnh Đức, thế hệ hôm nay sẽ có cái nhìn bao quát hơn về lịch sử vùng đất Tân An, Long An nói riêng và vùng sông nước Tây Nam bộ, vùng đồi núi Đông Nam bộ, Trung Nam triều đại phong kiến Nguyễn Ánh - Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Cách lăng mộ Quận công chỉ vài trăm mét, du khách có dịp chiêm ngưỡng cây trôm với dáng uy nghi, trên 350 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Quốc gia.
Du khách cũng có thể ghé Nhà Vuông, tại ấp Bình Nam, xã Bình Tâm. Đây là di tích duy nhất của loại hình nhà vuông tồn tại trên đất Long An, có lối kiến trúc đặc biệt gắn liền với quá trình Nam tiến của những lưu dân từ miền Ngũ Quảng lập nên quê hương mới trên vùng đất phương Nam. Đây là nơi hội họp, quyết định mọi vấn đề liên quan đến cộng đồng dân cư và đáp ứng nhu cầu tâm linh, cúng bái với đối tượng thờ cúng là Tiên sư và những bậc tiền hiền đã có công khai mở đất.
Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Tân An - Nguyễn Hoàng Phi cho biết, TP.Tân An hiện có 9 DTLS, trong đó, 1 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. TP.Tân An đang thực hiện số hóa DTLS đối với Nhà Tổng Thận, Nhà Vuông và Khu tưởng niệm 42 liệt sĩ Tiểu đoàn Đồng Nai (phường 7). Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để quảng bá, phát huy giá trị di tích trong đời sống đương đại, góp phần mang đến “làn gió mới” cho việc giữ gìn, tuyên truyền, thu hút khách tham quan đến tìm hiểu vùng đất Tân An.
Về Tân An ngày nay, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi hệ thống hạ tầng của một thành phố hiền hòa, mến khách. Về Tân An để cảm nhận một cuộc sống nhộn nhịp nhưng không hối hả của một thành phố thân thiện, văn minh, hiện đại bên dòng sông Vàm Cỏ Tây./.
Thanh Nga