Non nước Việt Nam

Rực rỡ sắc màu thổ cẩm

Cập nhật: 06/04/2023 13:56:27
Số lần đọc: 579
Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhiều dân tộc có trang phục thổ cẩm truyền thống với họa tiết, hoa văn trang trí mang nét độc đáo riêng tạo nên bức tranh sắc màu thổ cẩm hết sức đa dạng, phong phú và độc đáo, là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên.


Phụ nữ dân tộc Mông tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà may trang phục thổ cẩm.

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh nói riêng thì dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng. Được truyền giữ qua nhiều thế hệ, màu sắc và hoa văn thổ cẩm của mỗi dân tộc đều toát lên tính cách riêng. Dân tộc Thái có váy đen, áo cóm và khăn piêu; dân tộc Mông có trang phục dệt bằng sợi lanh, váy xòe hoa văn thêu chỉ màu; dân tộc Dao có áo dệt bằng sợi bông nhuộm chàm; dân tộc Lào có các loại thổ cẩm hoa văn tinh tế...

Nói về màu sắc và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc Điện Biên, không thể không nhắc tới họa tiết hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào. Không phải là hoa văn đính hay thêu trên mặt vải, hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào là hoa văn được tạo nên ngay trên khung cửi bằng cách đan kết các sợi màu theo công thức nhất định.

Đến bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, chúng tôi bị thu hút bởi không gian rộn tiếng thoi đưa; hình ảnh các mẹ, các chị miệt mài bên khung cửi và đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của những tấm vải dệt mềm mại, buông dưới ánh nắng vàng dịu nhẹ. Để giữ gìn và phát huy tốt nghề dệt của dân tộc, phụ nữ dân tộc Lào nơi đây với sự khéo léo, cần mẫn đã sản xuất được nhiều loại thổ cẩm có màu sắc và hoa văn đẹp tinh tế. Hoa văn thổ cẩm dân tộc Lào được tạo ngay trên khung cửi nhờ công thức vắt chỉ được sáng tạo và lưu truyền từ ngàn xưa. Hình hoa lá, cỏ cây, hình chim, rồng, voi, hổ… đều được thể hiện trên thổ cẩm.

Nuôi dưỡng niềm yêu thích với nghề dệt thổ cẩm từ nhỏ, chị Lò Thị Viên, người dân bản Na Sang 2 được mẹ truyền dạy cách dệt thổ cẩm từ khi 12 tuổi. Hàng ngày được nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi dệt thổ cẩm của bà, của mẹ; chị Viên càng thêm yêu thổ cẩm và mong muốn sẽ tạo ra thật nhiều sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Chị Lò Thị Viên cho biết: Để có được tấm vải thổ cẩm hoàn hảo đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn. Tất cả được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Lào. Quả bông trồng trên nương sau khi hái về được cho vào máy cán bông, tách hạt sợi bông, sau đó bỏ bông vào quay rồi ngâm trong nước gạo, tới khi sợi bông thật dai mới vớt ra cho vào máy quay se thành sợi. Cuối cùng, những bó sợi này được đi qua phiến để kéo thành sợi vải có màu trắng. Việc tạo màu cho sợi vải hoàn toàn dựa vào các loại cây trên rừng, sau đó mới đến công đoạn dệt vải. Trong khâu dệt, ban đầu phải tập thạo dệt trơn, sau đó mới dệt các loại hoa văn cầu kỳ.

Được coi là nét độc đáo tạo nên bản sắc trong trang phục của dân tộc Thái Điện Biên, chiếc khăn piêu và họa tiết hoa văn trên đó càng như tô điểm thêm cho sự duyên dáng, xinh đẹp cho các cô gái Thái. Với những hoa văn mang tính biểu tượng cao, màu sắc được phối hợp hài hòa, những chiếc khăn piêu của phụ nữ dân tộc Thái có màu chàm với độ dài khoảng một sải tay, diềm khăn được khâu bằng vải màu xanh, đỏ và 2 đầu khăn thêu hoa văn màu sắc tươi tắn, trang nhã. Nhắc đến hoa văn trên khăn piêu, phải khẳng định sự đa dạng, độc đáo với các biểu tượng tín ngưỡng như tà leo (là các đường thẳng cặp ba chạy song song), hình khau cút (là những biểu tượng xua đuổi tà ma, bảo vệ cho người đội khăn) và nhiều hình hoa bầu, hình ngôi sao... Ở các góc khăn là tai piêu và các nhóm cút piêu, biểu tượng phẩm vật cao quý của người bề trên. Vì thế mà khăn piêu cũng được coi như vị thần che chở cho người phụ nữ khi nắng, khi mưa.

Nếu thổ cẩm của dân tộc Thái và dân tộc Lào chủ yếu làm từ sợi bông và tơ tằm, thì thổ cẩm dân tộc Mông dệt từ sợi cây lanh. Với người Mông, sợi lanh vốn đã được coi là một loại sợi tâm linh. Sợi lanh được dệt thành những súc vải trắng, vẽ sáp ong rồi nhuộm chàm. Váy áo của phụ nữ Mông được ghép vải màu và thêu thùa thành bộ trang phục có hoa văn rực rỡ.

Trong trang phục của các ngành Mông, nổi bật nhất là trang phục của phụ nữ Mông đỏ, gồm: Chiếc áo xẻ ngực được nẹp vải màu từ cổ áo tới vạt áo, phía sau có một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa. Hai ống tay áo cũng thường thêu những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Trên chiếc váy xòe, ngoài các họa tiết có cấu tạo bằng đường thẳng, đoạn thẳng, người phụ nữ Mông còn thêu các hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay các đường lượn sóng đuổi nhau liên tiếp. Đó là những họa tiết hoa văn mang tính biểu tượng, thể hiện mặt trời, sấm chớp, cỏ cây và thể hiện sự vận động của vũ trụ. Trên váy áo của phụ nữ Mông đỏ, chúng ta cũng có thể bắt gặp các biểu tượng hoa văn gắn liền với cuộc sống như hình ảnh hoa đào, hình chữ thập, hình chữ X… Màu sắc trang trí trên thổ cẩm của người Mông đỏ thường tươi tắn với màu hồng và màu đỏ là chủ đạo. Những màu sắc này biểu trưng cho sự ấm áp, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Có thể thấy, thổ cẩm của mỗi dân tộc lại có nét đặc trưng riêng, không chỉ phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên mỗi vùng, miền, mà còn phản ánh ý niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng tâm linh và lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc. Ngày nay, thổ cẩm không chỉ được ưa chuộng bởi chất liệu thiên nhiên, mang lại cho con người nhiều cảm hứng mà còn được ca ngợi bởi nghệ thuật phối màu và tạo hoa văn độc đáo. Với những giá trị riêng, thổ cẩm của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã trở thành nét văn hóa độc đáo đáng được trân trọng và gìn giữ.

Minh Thảo

Nguồn: Báo Điện Biên Phủ - baodienbienphu.info.vn - Đăng ngày 06/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT