Non nước Việt Nam

Nhiều di sản văn hoá phi vật thể được tái hiện độc đáo trên núi Bà Đen (Tây Ninh) vào tháng 4

Cập nhật: 20/04/2023 15:23:54
Số lần đọc: 660
Từ ngày 14/4 đến dịp lễ 30/4-1/5, núi Bà Đen sẽ ngập trong không khí lễ hội với những show diễn nghệ thuật độc đáo mang bản sắc của người Khmer và liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ quy tụ các nghệ nhân ưu tú bậc nhất.


Diễn ra từ ngày 14-16/4 dương lịch, Tết Chôl Chnăm Thmây hàng năm là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer tại Việt Nam. Đặc biệt, theo thống kê năm 2019, Tây Ninh có 7.565 người Khmer đang sinh sống, được xem là cái nôi của văn hoá Khmer miền Nam bộ. Vì vậy, nếu muốn hoà vào không gian lễ hội sôi động đầy sắc màu của tết Chôl Chnăm Thmây, bạn đừng quên đến Tây Ninh trong tháng 4 này.

Trong Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức truyền thống như lễ rước đại lịch, lễ đắp núi cát, lễ tắm Phật…, đồng bào Khmer trong các phum sóc (làng) sẽ rộn ràng chuẩn bị đón mừng năm mới và thăm viếng nhau, chung vui bên mâm cơm ngày Tết. Nếu du khách không thể đến với các phum sóc để hoà vào không khí rộn ràng của tết Khmer, thì có thể đến với núi Bà Đen vào các ngày cuối tuần từ 15/4 đến dịp lễ 30/4-1/5. Tại đây, một cái Tết Khmer tưng bừng sẽ được tái hiện, trong những vũ điệu Khmer rộn ràng, được trình diễn bởi những thiếu nữ Khmer mặc váy sampot dài phủ kín đến gót chân với áo tơ tằm rực rỡ sắc màu, và các chàng trai Khmer trong chiếc áo xà rông truyền thống.

Một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo của người Khmer cũng sẽ được trình diễn tại núi Bà Đen trong dịp này, đó là múa trống Chhay dăm. Là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật Khmer độc đáo này đòi hỏi sự đồng điệu giữa động tác và âm thanh, với các động tác khi mạnh mẽ như võ thuật, khi uyển chuyển trong vũ điệu đẹp mắt.

Người nghệ sĩ múa trống Chhay dăm không chỉ như một vũ công, mà còn không khác võ sư là mấy, với các màn xuống tấn, nhào lộn, khi dùng tay, lúc dùng cùi chỏ, khi lại dùng gót chân để đánh trống. Nghệ nhân Trần Văn Xén (thị xã Hoà Thành) cho biết: “Trống Chhay dăm không chỉ hay ở tiếng, mà kỳ diệu hơn chính là muôn vàn động tác tuyệt kỹ của người chơi. Chỉ ở đất Tây Ninh, người ta mới làm được điều đó” (Trích trong Tây Ninh Đất và Người, XB năm 2021).

Các điệu múa Khmer uyển chuyển và duyên dáng cũng sẽ là màn trình diễn không thể thiếu tại núi Bà Đen dịp này. Với người Khmer, những điệu múa dân gian như Rămvông (múa vòng tròn), Lămleo, Saravan… mang những động tác đơn giản, yêu đời và hóm hỉnh đã thấm vào máu từ khi còn nhỏ, và trở thành một nếp sinh hoạt quen thuộc trong đời sống tinh thần của người dân. Tại núi Bà Đen, không gian tươi vui rộng ràng ngập tràn hoa cỏ mà mát lạnh ở độ cao 986m, cùng những điệu múa uyển chuyển trong tiếng nhạc réo rắt, sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm văn hoá Khmer vô cùng đặc sắc dịp này.

Trình diễn nhạc ngũ âm cũng là một loại hình nghệ thuật rất được nhiều du khách háo hức chờ đón tại núi Bà Đen dịp này. Là một dàn nhạc, được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ, làm từ 5 loại chất liệu khác nhau, tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da, nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer khi hòa tấu sẽ tạo ra âm thanh độc đáo, từ rất trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến sâu lắng, hào hùng.

Đặc biệt, đến với núi Bà Đen trong 2 ngày 29, 30/4/2023, du khách sẽ được mục sở thị những màn trình diễn đặc sắc nhất của các nghệ nhân đờn ca tài tử ưu tú tại Tây Ninh trong chương trình liên hoan và triển lãm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Xuất hiện từ hơn 100 năm trước, đờn ca tài tử là một loại hình diễn tấu dân gian đặc trưng của người dân Nam bộ, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Với 229 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử, 76 gia đình đờn ca tài tử và sáu nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực đờn ca tài tử được công nhận (tính đến cuối năm 2020), có thể nói tỉnh Tây Ninh đã bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần cùng với người dân Nam Bộ gìn giữ, lưu truyền nghệ thuật đờn ca tài tử cho các thế hệ mai sau.

Giữa không gian núi Bà ngập tràn các loài hoa dưới chân tượng phật Bà Tây Bổ Đà Sơn uy nghiêm, sự kết hợp âm thanh của đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (tứ tuyệt) cùng tiếng hát lãng tử, ngẫu hứng sẽ mang đến những màn trình diễn đầy cảm xúc cho người xem. Kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay tại núi Bà Đen sẽ là một cơ hội tuyệt vời để du khách tận hưởng không gian âm nhạc đậm sắc màu dân gian của di sản văn hoá phi vật thể được Unesco công nhận đã trở thành văn hoá truyền thống và là món ăn tinh thần của con người Tây Ninh.

Với quần thể chùa Bà linh thiêng 300 năm tuổi, cụm công trình văn hóa tâm linh linh thiêng trên khu vực đỉnh núi đẹp lung linh khi đêm về bởi hệ thống chiếu sáng hiện đại bậc nhất hiện nay, không gian mát lạnh như Đà Lạt với rực rỡ sắc màu hoa đủ loại, những trải nghiệm văn hóa Phật giáo độc đáo tại khu triển lãm dưới chân Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, và đặc biệt là liên tục những màn trình diễn nghệ thuật Khmer, nghệ thuật đờn ca tài tử đặc sắc, Sun World Ba Den Mountain có thể xem là điểm đến đáng trải nghiệm bậc nhất miền Đông Nam Bộ trong tháng 4 này.

Ban biên tập

Nguồn: TCĐT Bảo vệ Rừng và Môi trường - baovemoitruong.org.vn - Đăng ngày 13/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT