Non nước Việt Nam

Xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Đền Chín Gian (Nghệ An)

Cập nhật: 17/04/2023 10:15:15
Số lần đọc: 590
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 963/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia Di tích lịch sử Đền Chín Gian, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Biểu tượng cho 9 con trâu trắng và đen phía trước đền Chín Gian. (Ảnh: nghean.gov.vn)

Theo Quyết định, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chỏ Nhàng gọi là Tến Pỏm (Đền trên núi) thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Cuối thể kỷ XVIII, Đền được chuyển đến Pú Cắm (Núi Vàng) thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Năm 2004, Đền được tôn tạo, phục hồi với 1 tòa thiết kế kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái, gồm 9 gian, mỗi gian tượng trưng cho một mường.

Ở đền Chín gian, là rất nhiều kiến trúc gắn liền với số 9 - tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Ngay từ sân đền đã có 9 tượng trâu (6 trâu đen và 3 trâu trắng) đang phủ phục, được đặt trên 9 bệ đá. Phía trước 9 con trâu là 9 vạc đựng nước mưa. Hành lang trang trí bằng hệ thống lan can theo kiểu chấn song. Hai bên hồi có 2 cầu thang lên xuống, mỗi bên gồm 9 bậc, trong đền chia thành 9 gian, tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Ha Quèn, Mường Miếng, Mường Chón, Mường Chóng.

Nét đặc sắc của di tích đền Chín Gian chính là giá trị lịch sử-văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian, thờ mẫu (Đức mẹ Xỉ Đà), thờ người có công xây Bản lập Mường (thờ Tạo Ló Ỳ). Hằng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng Hai (Âm lịch) diễn ra Lễ hội đền Chín Gian - một lễ hội du lịch, tâm linh lớn nhất vùng, thu hút hàng vạn khách thập phương.

Lễ hội đền Chín gian có nhiều phần, như lễ khai quang, lễ yết cáo (lễ khẩy quan), lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), lễ hiến trâu (lễ nạp quái), lễ chém trâu (lễ phắn quái).

Điểm đặc sắc, độc đáo của lễ hội đền Chín gian là lễ hiến trâu. Những năm gần đây, nghi lễ hiến trâu vẫn được duy trì, nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng. Trâu cái màu trắng là món lễ vật không thể thiếu của người dân Mường Tôn dâng lên ông trời và Tạo Ló Ỳ. Hai mường khác là Mường Quáng và Mường Puộc cũng hiến trâu trắng, nhưng là trâu đực, những mường còn lại cúng trâu đen.

Ngoài lễ hiến trâu, nơi đây còn có tục hát khắp, hát nhuộm của đồng bào Thái vào ngày diễn ra nghi thức tế hội. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau thường có 6-8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên Mường Trời, trong hành trình ấy có cả đường sông, đường bộ.

Đền Chín Gian được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 5847/QĐ.UB-VX ngày 24/12/2008 và Lễ hội đền Chín Gian được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hà Chi

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 15/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT