Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Những ''ngôi chùa di động''

Cập nhật: 14/04/2023 11:22:11
Số lần đọc: 626
Huế là nơi mà Phật giáo vẫn còn giữ được sự trang nghiêm, thiền vị; người Huế sống hiền hòa, từ tốn, trọng hiếu nghĩa và luôn ý thức về nhân quả. Những thứ tạo nên bản sắc của vùng đất và con người ấy một phần phát xuất từ ảnh hưởng của Phật giáo.

Thiên Mụ- Ngôi cổ tự nổi tiếng của Huế

Láng giềng đồng trang lứa, lại học cùng nhau thời trung học nên tôi và ông khá thân nhau. Ông bây giờ là tu sỹ, trụ trì một ngôi chùa ở miệt tây nam thành phố, dự hàng giáo phẩm Trung ương và Tỉnh hội. Nhưng với tôi, ông rất bình dân, gần gũi. Thế nên thỉnh thoảng có thời gian, là tôi lại ghé lên chùa thăm ông. Khi thì được dùng cơm chay, lúc lại pha ấm trà thơm cùng nhau hàn huyên chuyện đời, chuyện đạo…

Một buổi chiều lên thăm ông, đúng dạo dư luận đang rất rộn ràng về việc nơi này nơi kia xây dựng, trùng tu những chùa, những tháp thuộc “hàng khủng”.

Bên tách trà bốc khói giữa khung cảnh sương chiều lãng đãng chốn sơn môn, tôi đưa mắt nhìn quanh, thấy cảnh chùa hơn nửa thế kỷ qua vẫn thế, ngôi chánh điện nhỏ bé, giản đơn; khu nhà tăng có mở rộng nhưng cũng chỉ chắp nối thêm trên căn bản hình hài của nhà tăng cũ.

Chỉ hoa lá, cây xanh trong vườn chùa là có thêm vài giống mới, vừa tạo cảnh quan, và- như ông nói- cũng là để cúng dường Long thần Hộ pháp.

Bất giác tôi buộc miệng: “Thầy tu hành suốt mấy chục, công lao, đạo hạnh không phải ít, nhưng sao không thấy xây chùa sửa điện chi cả, trong lúc thiên hạ họ mần rần rần khắp nơi…”. Ông cười nhẹ: “Ừ, thì cũng là do chùa mình chưa có duyên. Mà mình thì cũng chẳng đi cúng đi kiến chi, tịnh tài sao có mà xây dựng…”. Tôi hơi ngạc nhiên nhìn ông. Ừ thì cũng đúng như vậy. Cho dù “khoa nghi hành trì” bây giờ tìm cho ra một vị vượt được ông không phải là dễ, chất giọng tán tụng của ông cũng thuộc hàng thiên phú, vậy mà đúng là rất ít khi thấy ông đắp y đội mũ đi hộ niệm tang ma, giải oan bạt độ, đăng đàn chẩn tế…. Tuy nhiên, tôi cũng được biết “bổn đạo” của ông không vì thế mà ít, thậm chí có nhiều vị thuộc hàng đại gia, có sức ảnh hưởng vẫn thường liên lạc, tới lui với chùa ông. Chỉ cần ông mở lời, hẳn sẽ không quá khó để có một hoặc một vài vị “đại thí chủ” phát tâm giúp ông trùng tu ngôi chánh điện, hay dựng xây, mở rộng tăng xá, thiền phòng…

Chùa Huế  bây giờ vẫn giữ được 2 thời công phu, 2 thời chuông hôm sớm mỗi ngày

Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông thong thả châm thêm nước vào ấm trà và thủng thẳng bộc bạch những gì ông vẫn ngẫm ngợi, thao thức trong lòng. Với ông, cái quan trọng không phải là “chùa to phật lớn” như bao người theo đuổi, ngược lại, ông chỉ mong “chùa đất phật vàng”. Vàng đây không phải là vàng của kim loại quý, vàng của vật chất của cải, mà muốn nói về cái “nội dung”, cái tinh túy của học thuyết, triết lý, cứu cánh của nhà Phật. Là một tu sỹ Phật giáo, một người đứng trong hàng giáo phẩm, ông thật ưu tư muộn phiền trước một số hành vi, hiện tượng nhiễu nhương, lệch chuẩn, phi chánh pháp xuất hiện nơi một bộ phận những người được gọi là “con Phật”.

Những hành vi, những hiện tượng từng đã và đang bị báo chí, mạng xã hội lan truyền và phản đối. Thế nhưng, sự phản thức, sự chấn chỉnh, sự sám hối sửa chữa thì rất tiếc là vô cùng ít ỏi và chậm chạp. Có lẽ xuất phát từ cái tâm từ bi, và từ cái lý “ai tu nấy chứng, ai làm nấy thọ” của nhà Phật mà người ta không hoặc không cần nói, để rồi những hiện tượng, những hành vi “lạ đời” kia cứ vậy tồn tại, thậm chí còn trượt dài quá trớn, để lại nhiều hệ lụy và làm tổn thương hình ảnh Phật giáo- một tôn giáo lớn, luôn đồng hành và có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, cho dân tộc. Và trong cái bối cảnh đó, những hoành tráng của chùa viện, của tôn tượng, bảo tháp…dường như chẳng làm cho đạo pháp được tôn vinh mà có khi lại là một điều gì đó hơi mỉa mai, gây xót lòng cho lớp tăng ni, quần chúng phật tử chân chính.

 Với Huế Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là văn hóa, là di sản...

Ông rủ rỉ với tôi những suy tư có lẽ đã được ông ấp ủ từ rất lâu. Rằng, thay vì chăm chắm vào việc xây chùa dựng tượng, ông mong làm sao đó để tăng ni phật tử ai nấy đều lo chú trọng tu học, hành trì; Mong các cấp giáo hội quan tâm nhiều hơn nữa việc giáo dục, đào tạo để tổ chức mình có những vị tăng ni đức hạnh và thấm nhuần giáo lý nhà phật. Những bậc tăng ni như vậy sẽ là tấm gương về sự tu tập, từ đó mà trao truyền và tỏa lan phật pháp, tỏa lan tinh thần hướng thiện, tinh thần “hộ quốc an dân”, tinh thần đạo pháp và dân tộc vào trong đời sống xã hội. Ông bảo, đó chính là “những ngôi chùa di động”. Những ngôi chùa ấy sẽ hữu ích, mang lại lợi lạc và an vui cho xã hội, cho cộng đồng một cách thiết thực hơn nhiều so với những thứ nặng nề hình thức, hào nhoáng nhưng có khi lại trống rỗng.

Với Huế, ông cho rằng những “ngôi chùa di động” như thế lại càng có ý nghĩa đặc biệt. Bởi Huế là một trong những chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam. Và ai cũng phải thừa nhận xứ Huế là nơi mà Phật giáo vẫn còn giữ được sự trang nghiêm, thiền vị, nơi vẫn còn giữ được 2 thời công phu, 2 thời chuông hôm sớm; người Huế sống hiền hòa, từ tốn, trọng hiếu nghĩa và luôn ý thức về nhân quả. Những thứ tạo nên bản sắc của vùng đất và con người ấy một phần phát xuất từ ảnh hưởng của Phật giáo. Cho nên, với Huế, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là văn hóa, là di sản. Nếu không biết quan tâm giữ gìn thì Phật giáo Huế cũng sẽ rất dễ rơi vào mai một, điều đó không chỉ tổn thương cho riêng Phật giáo mà còn là tổn thương cho di sản, cho văn hóa của Huế-xứ Thiền kinh. Vậy nên, ông cứ mãi thao thức, cứ mãi nặng lòng với câu chuyện “những ngôi chùa di động”…

Bài & ảnh: Hiền An

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 14/04/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT