Tin tức - Sự kiện

Nhiều hoạt động phát huy giá trị đặc sắc nghệ thuật ca Huế

Cập nhật: 26/12/2019 10:51:37
Số lần đọc: 938
Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai nhiều hoạt động phục vụ việc xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Không gian trên thuyền, nơi để du khách thưởng thức chương trình biểu diễn ca Huế của các nghệ sỹ. (Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam)

Theo đó, Sở đang hoàn thiện bộ tài liệu báo cáo kiểm kê về di sản nghệ thuật Ca Huế; sưu tầm tài liệu, hiện vật, tài liệu xuất bản, tài liệu chép tay, thư tịch liên quan đến di sản Ca Huế ở trong và ngoài nước; ghi hình trình diễn nghệ thuật Ca Huế để xây dựng sản phẩm nghe nhìn.

Cùng với đó là tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng Ca Huế cho diễn viên, nhạc công trên địa bàn tỉnh; xây dựng chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động Ca Huế trên sông Hương, phát triển Ca Huế thính phòng.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai chương trình đưa Ca Huế vào trường học nhằm khơi dậy niềm đam mê và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xây dựng, triển khai chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học với hai nội dung như tập huấn hát Ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế và dạy hát Ca Huế cho học sinh theo hình thức Câu lạc bộ Ca Huế tại các trường trung học cơ sở.

Mô hình Câu lạc bộ Ca Huế được triển khai tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Huế. Các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, với nhiều hình thức như tổ chức biểu diễn hát Ca Huế trong lễ chào cờ đầu tuần, lễ khai giảng và các dịp lễ kỷ niệm, chương trình liên hoan văn nghệ, ngoại khóa tìm hiểu về ca Huế nhằm lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực về di sản nghệ thuật Ca Huế.

Nhờ vậy, mô hình Câu lạc bộ Ca Huế tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, điển hình như ở Trường trung học cơ sở Trần Cao Vân có 31 học sinh, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương có 25 học sinh.

Từ đầu năm học 2019-2020, Trường Trung học cơ sở Thống Nhất đã thành lập Câu lạc bộ Ca Huế với sự tham gia của gần 100 học sinh.

Các em được giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế trực tiếp giảng dạy nên đã nắm vững được sự chuẩn mực trong từng lời ca, điệu hò.

Ngành Văn hóa và Thể thao, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức lớp tập huấn Ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế.

Qua lớp tập huấn, giáo viên đã được giới thiệu về lý thuyết tổng quan lịch sử hình thành và phát triển Ca Huế; tập hát các làn điệu Ca Huế; giao lưu với nghệ nhân, nghệ sỹ Ca Huế; biểu diễn Ca Huế giữa giáo viên tham gia tập huấn.

Giáo viên vừa học lời cổ vừa được hướng dẫn áp dụng, sáng tác lời mới phù hợp với yêu cầu phổ cập và để Ca Huế đến gần với từng lứa tuổi, từng mục đích biểu diễn khác nhau...

Những học viên này sẽ là yếu tố tích cực và then chốt để đưa Ca Huế vào giảng dạy trong trường học.

Từ năm 2015, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét với hai làn điệu chính: điệu Bắc (Khách) và điệu Nam.

Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Cùng với Ca Huế thính phòng, hiện nay, Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với du khách khi đến với Cố đô./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT