Nhiều hoạt động văn hóa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy
Phối cảnh Bảo tàng Munch (Ảnh: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam)
Sự kiện đầu tiên của chuỗi hoạt động này là buổi giới thiệu Bảo tàng Munch tại Oslo, thủ đô Na Uy cho các nhà báo và đại diện các bảo tàng Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất thế giới các tác phẩm của nghệ sỹ Edvard Munch (1863-1944), một trong những họa sỹ vĩ đại không chỉ của Na Uy mà còn của cả thế giới.
Tại buổi gặp mặt trực tuyến giữa Giám đốc bảo tàng Munch Stein Olav Henrichsen và đại diện báo chí, truyền thông, bảo tàng ở đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 5/10, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Grete Lochen cho biết: vào ngày 22/10, Bảo tàng Munch tại Oslo sẽ chính thức khai trương, công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam có thể theo dõi qua các nền tảng trực tuyến.
Đại sứ Grete Lochen cho biết, Edvard Munch là nghệ sỹ có vị trí đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật của Na Uy cũng như quốc tế. Ông đã rất hào phóng khi tặng lại toàn bộ tài sản của mình cho thành phố Oslo, bao gồm rất nhiều hiện vật trong đó có hơn 28.000 tác phẩm nghệ thuật và hàng loạt các bản văn, bức thư, ảnh chụp, thiết bị và các tư trang cá nhân khác. Ông có ảnh hưởng sâu sắc đối với nền nghệ thuật hiện đại và các thế hệ nghệ sỹ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, bức tranh “The Scream” (Tiếng thét), đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của nghệ thuật thế giới.
“Bảo tàng Munch sẽ trở thành một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và là điểm đến không thể bỏ qua ở Oslo đối với bất cứ du khách và người yêu nghệ thuật nào. Đó là lý do tôi muốn giới thiệu bảo tàng đến công chúng Việt Nam,” Đại sứ Grete Lochen cho hay.
Tòa nhà bảo tàng có thiết kế cao 13 tầng, với không gian trưng bày rộng 4.500m2, lưu giữ hơn 26.700 tác phẩm của Munch.
Giám đốc Bảo tàng Munch Stein Olav Henrichsen nhấn mạnh rằng ông rất vui được giới thiệu công trình kiến trúc đầy tự hào ở Oslo với người dân Việt Nam, đặc biệt là thông qua nền tảng trực tuyến mà ông có thể kết nối với đại diện Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia...
“Theo thống kê, có khoảng 40.000 Việt Nam đang sinh sống tại Na Uy. Họ rất yêu nghệ thuật và văn hóa. Tôi tin rằng họ nhất định sẽ tới thăm Bảo tàng Munch cũng như những địa điểm văn hóa khác tại Na Uy. Mong rằng chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu tác phẩm của Munch tại Việt Nam cũng như có thể hợp tác với các bảo tàng Việt Nam để giới thiệu văn hóa, nghệ thuật của các bạn tại Oslo,” ông nói.
Ông Stein Olav Henrichsen cho hay ngành bảo tàng Na Uy cũng có những khó khăn tương tự với Việt Nam khi đại dịch bùng phát tại châu Âu. Trong bối cảnh đó, ngành bảo tàng Na Uy đã đổi mới cách tiếp cận công chúng, kết hợp văn hóa, nghệ thuật với trải nghiệm ẩm thực, giải trí cho khách đến tham quan bảo tàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thiết kế những chương trình dành riêng cho trẻ em.
Đại sứ Grete Lochen cho hay bà đang có kế hoạch giới thiệu bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Na Uy và tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến giữa nghệ sỹ Na Uy và Việt Nam. “Tôi tin rằng văn hóa và nghệ thuật là phương tiện thuận lợi để người dân hai nước thấu hiểu nhau. Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực này trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao. Song vì đại dịch diễn biến phức tạp nên chưa thể chia sẻ chi tiết các sự kiện từ nay đến cuối năm,”, Đại sứ Na Uy Grete Lochen chia sẻ./.
KL