Ngành du lịch và nông nghiệp “bắt tay” xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại diễn đàn
Hiện nay, du lịch nông thôn đóng vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, trong tổ chức không gian, kết nối với đô thị và các trung tâm du lịch, góp phần mở rộng phạm vi không gian và kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, như văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ... là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, trong thời gian thực hiện các chỉ thị chống dịch Bộ NNPTNT đã nghiên cứu trong thực tiễn và thấy rằng kết nối nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ là rất quan trọng, do đó cần có một diễn đàn trực tuyến để kết nối thông tin đa chiều, giữa người sản xuất, người bán hàng và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Thứ trưởng, hiện nay đa phần các điểm du lịch ở nông thôn đang hoạt động hiệu quả, được nhiều du khách quan tâm. Do đó, diễn đàn hôm nay được tổ chức để sau khi dịch lắng xuống và được kiểm soát ở một số địa phương thì du lịch sẽ được thúc đẩy.
Ngoài ra, qua diễn đàn, ban tổ chức cũng muốn lắng nghe các đề xuất, giải pháp, ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà nghiên cứu và các đơn vị tổ chức du lịch để tìm ra những giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn.
Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, ứng dụng công nghệ số là công cụ, giải pháp kết nối nhanh nhất sản phẩm nông nghiệp nông thôn tới thị trường khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn nước ta có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ còn thấp... so với các ngành và lĩnh vực khác, do đó cần có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.
Do đó, phải làm sao để thực hiện các kết nối và xây dựng các ứng dụng để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch dễ dàng nhất.
Cần tích hợp, liên thông, chia sẻ thông tin, phát triển các ứng dụng dùng chung cho phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở kế thừa những nội dung đã có từ ngành du lịch, nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP, các địa phương, doanh nghiệp, hướng tới sự thống nhất chung, tránh chồng chéo, gây lãng phí tài nguyên.
Phó Tổng cục trưởng cho biết, vừa qua Tổng cục Du lịch đã xây dựng các nền tảng số để hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và khách du lịch, người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ, thực hiện giao dịch thương mại điện tử như Trang vàng Du lịch Việt Nam, website Sản vật Việt Nam... Phát triển ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để phục vụ du khách đi du lịch an toàn trong bối cảnh mới.
Xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách. Từ đó tạo ra mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn khách du lịch, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả du lịch nông thôn.
Để phát triển du lịch nông thôn chuyên nghiệp, hiệu quả cần có chính sách thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ phát triển du lịch ở nông thôn nói riêng, thu hút lực lượng thanh niên nông thôn được đào tạo về công nghệ, du lịch trở lại phục vụ quê hương.
Vì vậy, Tổng cục Du lịch kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ VHTTDL và các địa phương trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình này.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc phát biểu tham luận tại diễn đàn
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến kết nối tour, tuyến, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, mô hình phát triển nông thôn gắn với du lịch, tiêu thụ sản phẩm OCOP… trong thời đại công nghệ số.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định chủ đề xúc tiến, quảng bá du lịch nông nghiệp nông thôn thông qua chuyển đổi số đã nhận được nhiều sự quan tâm. Diễn đàn đã đón nhận những kiến thức, những trăn trở với tinh thần tích cực của các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị cũng như những nhà nghiên cứu.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng đây là những kinh nghiệm quý báu cho ngành du lịch. “Diễn đàn cũng thể hiện sự năng động để bắt kịp nhu cầu phát triển của thời đại thông qua tư thế sẵn sàng phát triển ngành du lịch chung cả nước không chỉ của những doanh nghiệp lớn mà còn của các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Thứ trưởng đánh giá.
Thứ trưởng cho rằng cần lưu ý đến 6 yếu tố quan trọng để có thể phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số.
Thứ nhất, việc Bộ NNPNT quảng bá du lịch nông thôn thông qua ứng dụng chuyển đổi số là cách làm rất hay. Thời gian tới cần có sự đầu tư bài bản cho phát triển du lịch nông thôn thông qua đề án chuyển đổi số của ngành nông nghiệp để có cơ sở dữ liệu chung cho du lịch.
Thứ hai, từ sự khác biệt tính chất giữa nông thôn và đô thị, chúng ta cần có những giải pháp chuyển đổi số một cách phù hợp. Các sản phẩm công nghệ từ nhà đầu tư phải hỗ trợ tối đa cho người nông dân một cách thuận tiện, dễ hiểu, dễ làm nhất.
Thứ ba, thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng những sản phẩm nông nghiệp đang gặp phải sự trùng lặp. Từ đó, nếu muốn nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số, chúng ta cần khuyến khích, hỗ trợ những cách làm hay, mô hình du lịch mới, xu hướng du lịch mới.
Thứ tư, du lịch nông nghiệp nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó các địa phương cần có những kiến nghị để có thể phát triển ngành du lịch nông thôn bản địa.
Thứ năm, các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân cùng chung tay phát triển du lịch nông thôn.
Thứ sáu, bên cạnh việc thận trọng mở lại các hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chúng ta cần tập trung phát triển vào những điểm du lịch xanh, du lịch an toàn. Trước mắt ngành du lịch sẽ thí điểm kế hoạch đón khách du lịch đến Phú Quốc.
Thứ trưởng Bộ NNPTNN Trần Thanh Nam Phát biểu tổng kết diễn đàn
Phát biểu tổng kết diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cám ơn sự đồng hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự diễn đàn. Đồng thời khẳng định, trong thời gian tới Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL để xây dựng và trình Chính phủ ban hành những chương trình sát với mục tiêu mà các đại biểu đã nêu ra trong ngày hôm nay. Có thể thấy, du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả, điều cần làm là kết nối và quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương.
“Các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo ông, dù có thể mỗi ngành có chức năng khác nhau nhưng điểm chung là cần phát huy được thế mạnh địa phương để tạo ra giá trị, nâng cao đời sống cho người nông dân. Đề cập đến vấn đề quy hoạch nông thôn, Thứ trưởng khẳng định sẽ bổ sung tiêu chí về quy hoạch du lịch khi xây dựng nông thôn mới.
Xung quanh vấn đề hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng và đào tạo nghiệp vụ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng cần được đẩy mạnh, hỗ trợ với sự tham gia của các nhà đầu tư và các đơn vị lữ hành.
“Các sản phẩm du lịch phải kết tụ được giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của từng địa phương để tạo ra điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương cho dù cùng một vùng địa lý, nâng cao giá trị cho sản phẩm”, lãnh đạo Bộ NNPTNT nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý cần phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị gắn liền với đặc điểm của từng địa phương, tạo ra những đặc sản phục vụ cho du lịch và cần quan tâm đến cả chất lượng lẫn mẫu mã.
Về xây dựng bản đồ du lịch trên nền tảng công nghệ số, Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự ủng hộ và cho biết sẽ có những đề án riêng về nội dung này.
Trung tâm Thông tin du lịch