Hoạt động của ngành

Nhơn Lý (Bình Định) và cú chuyển mình ngoạn mục

Cập nhật: 14/10/2020 09:53:45
Số lần đọc: 899
Trước đây, hầu hết người dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) làm nghề biển, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng giờ, nhắc đến Nhơn Lý là nhắc đến sự năng động, khá giả. Cú chuyển mình nhanh, mạnh mẽ và ngoạn mục của Nhơn Lý là một ví dụ sinh động khi chính quyền ban hành chính sách đúng, định hướng để chính sách ấy đi vào thực tế và phát huy hiệu quả tích cực.

Sau khi có cầu Thị Nại, đổi thay đến với Nhơn Lý nhưng công bằng mà nói vẫn chưa rõ ràng. Khi tỉnh điều chỉnh chính sách, chuyển hướng và trọng tâm từ thu hút đầu tư công nghiệp sang du lịch, dịch vụ, ngay lập tức, Nhơn Lý “lột xác”. Xã bán đảo nằm trên dãy núi Phương Mai này trở nên sầm uất hơn, nhà cao tầng mọc lên san sát, các ngành dịch vụ hoạt động nhộn nhịp. Nhơn Lý gần với phố hơn bao giờ hết.

“Nhà nước đầu tư chưa đầy năm mà dân đã khá!”

Dẫn tôi đi tham quan một vòng quanh xã, ông Nguyễn Đình Xuân, cán bộ phụ trách Thủy sản - Dịch vụ - Du lịch, UBND xã Nhơn Lý, chia sẻ: “Năm 2008, cả xã có 373 ghe thuyền, hiện giảm còn 147 chiếc do phần lớn ngư dân đã chuyển từ nghề biển sang làm nghề bờ”.

Hạ tầng nông thôn ở Nhơn Lý được đầu tư đồng bộ.

Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ, các chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện, đã góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Cụ Nguyễn Thị Danh (84 tuổi, ở thôn Lý Lương), hồ hởi: “Có đường bộ nối liền với TP Quy Nhơn, người dân đi lại, làm việc, các cháu đi học thuận lợi hơn, không còn cách trở như trước đây! Nhà nước đầu tư phát triển du lịch chưa đầy năm mà tôi đã thấy dân khấm khá quá chừng!”.

Giai đoạn 2010 - 2015, trong cơ cấu kinh tế của Nhơn Lý, thủy sản chiếm ưu thế tuyệt đối. Nhưng đến nay, lĩnh vực này chỉ còn 40%, ngược lại thương mại - dịch vụ, du lịch vọt lên 45%; công nghiệp - xây dựng tăng lên 15%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2016 - đạt 46 triệu đồng/người/năm.

“Chương trình hành động của Thành ủy Quy Nhơn về phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch biển sẽ tập trung cho các xã, phường: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng; trong đó, Nhơn Lý là địa bàn trọng điểm. Sau khi trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 bảo tồn làng chài Nhơn Lý, UBND thành phố sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã. Ðồng thời, thành phố phối hợp với Sở Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phát triển du lịch cộng đồng, chỉnh trang đô thị, giữ gìn bản sắc làng chài để Nhơn Lý trở thành điểm đến của thành phố, trở thành vệ tinh cho việc đầu tư các dự án lớn của tỉnh”.      

Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Na

Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Tấn Dũng hào hứng: Cả xã hiện có 53 ca nô, 17 mô tô nước và hàng chục xe điện, xe ô tô chuyên chở du khách; 30 nhà hàng phục vụ ăn uống với sức chứa từ 100 - 500 khách; 17 homestay, nhà nghỉ phục vụ khách lưu trú, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trong xã với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thủy sản do ngư dân địa phương đánh bắt đều được chế biến, như: Nước mắm, mực một nắng, cá cơm khô, mắm ruốc, cá mực tươi… Cũng bấy nhiêu nhưng khi phục vụ du lịch, thu nhập của bà con tăng vọt lên, hỏi làm sao không vui. Ước tính mỗi năm, Nhơn Lý đón hơn 200 nghìn lượt du khách, chỉ riêng doanh thu từ du lịch đã đạt 50 tỷ đồng. Chính nhờ vậy mà từ năm 2017 đến nay, Nhơn Lý liên tục thu đạt và vượt chỉ tiêu ngân sách thành phố giao - 5 tỷ đồng/năm.

Phát triển gắn với bảo tồn giá trị văn hóa

Chuyện dân Nhơn Lý khá lên nhờ chính sách phát triển du lịch là không hiếm. Trường hợp anh Nguyễn Văn Xin (ở thôn Lý Lương) là một điển hình. Anh Xin vui vẻ kể: Cũng như nhiều bà con ở đây, hồi trước gia đình tôi quanh năm bám biển, mỗi năm cũng có tới vài tháng chạy ăn từng bữa. Nhờ Nhà nước thu hút đầu tư, phát triển du lịch, gia đình tôi mở Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hướng Dương, Nhà hàng Hướng Dương. Rồi dần dần tôi đầu tư mua thêm ca nô, ô tô đưa đón du khách tham quan Eo Gió, Kỳ Co, Bãi Dứa, Hòn Sẹo. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng từ kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi năm xã Nhơn Lý đón hơn 200 nghìn lượt du khách đến tham quan, du lịch.

Trong ảnh: Du khách tham quan Khu du lịch Eo Gió - Nhơn Lý.

“Nói Nhơn Lý thay da đổi thịt từng ngày không phải là nói quá - cụ Nguyễn Đình Ấn (85 tuổi, ở thôn Lý Chánh) là cán bộ lão thành cách mạng, tấm tắc - Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch, mọi thứ đã thay đổi rõ rệt. Nhưng quý nhất theo tôi là ở chỗ Nhơn Lý vẫn bảo tồn, phát huy được các giá trị truyền thống, như: Kiến trúc nhà cửa, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật bả trạo… Giàu có lên nhưng người dân vẫn thân thiện, gắn bó, đoàn kết với nhau! Ở đâu không biết chứ ở Nhơn Lý, khi người dân nói “cảm ơn Đảng - Nhà nước” là nẫu chân thành biết ơn chứ không một chút khách sáo!”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết thêm: Giai đoạn 2020 - 2025, xã xác định phát triển kinh tế theo cơ cấu ưu tiên phát triển mạnh về thương mại - dịch vụ, du lịch, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với đó, xã sẽ từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống của làng biển, góp phần cùng với TP Quy Nhơn phát triển du lịch, để Quy Nhơn xứng danh là Thành phố du lịch sạch ASEAN.

ÐOÀN NGỌC NHUẬN

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục