Những chiếc cổng trời huyền bí xứ Phù Tang
Nếu từng đi du lịch Nhật Bản, hoặc đọc truyện, xem phim, hoặc ngắm nhìn những bộ ảnh lung linh về đất nước “Mặt trời mọc”, chắc hẳn bạn đã có lần thấy những cánh cổng mầu đỏ tươi nổi bật trước đền, chùa cổ kính hay sừng sững giữa thiên nhiên hùng vĩ. Đó là “torii”-cổng thiêng gắn liền với nhiều câu chuyện thần kỳ và là một biểu tượng không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản.
Khách tham quan có thể đến tận chân torii đền Itsukushima nổi tiếng khi thủy triều xuống.
Truyền thuyết cổ kể rằng, xưa kia nữ thần Mặt trời Amaterasu của Thần đạo Nhật Bản trong một lần vì tức giận em trai là thần bão tố Susanoo gây chuyện phá phách mà đã ẩn mình vào hang đá Amano Iwato. Thế giới chìm trong bóng đêm tăm tối, con người lẫn các vị thần khác đều lo sợ. Họ dùng nhiều cách để khuyên nữ thần bước ra mà vô ích. Cho đến khi một đàn gà trống được mang đến trước hang, tiếng gáy của chúng khiến nữ thần tò mò hé mắt nhìn ra, và ánh sáng chính thức trở lại với nhân gian. Cành cây nơi những con gà đậu lên chính là cánh cổng torii đầu tiên, với từ “torii” trong tiếng Nhật nghĩa là nơi chim đậu. Từ đó, torii trở thành ranh giới chuyển tiếp giữa thế giới trần tục với nơi thiêng liêng của thần thánh. Torii hiện diện ở mọi nơi của Nhật Bản, song hành với Thần đạo-một trong hai tôn giáo phổ biến nhất nước này.
Trên thực tế, bên cạnh câu chuyện mang màu sắc thần thoại thì còn có những nghiên cứu, giả thuyết khác về thời gian cũng như nguồn gốc xuất hiện của torii. Song không ai có thể khẳng định chúng là nguyên mẫu bản địa hay được lấy cảm hứng từ các cánh cổng có nét tương đồng từ các quốc gia và nền văn hóa lân cận, như cổng “torana” của Ấn Độ, “pailou” hoặc “paifang” của Trung Quốc, hay “hongsal-mun” của Hàn Quốc. Chỉ có một điều chắc chắn: torii đã và sẽ luôn là một trong những di sản văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trong lịch sử Nhật Bản. Những cánh cổng dẫn tới “thiên giới” này không chỉ chứa đựng ý nghĩa lớn lao, phản chiếu nhân sinh quan con người, mà thực sự là những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo và đặc sắc.
Về hình thức, có gần 20 kiểu torii khác nhau nhưng cấu trúc không quá khác biệt. Torii cơ bản gồm hai trụ thẳng đứng, với một hoặc vài thanh ngang phía trên. Vào những dịp lễ hội hay đầu năm mới, trên hai cột của torii thường trang trí một sợi thừng bện từ rơm, đơn giản mà tinh tế, gọi là “shimenawa” (chú liên thừng). Theo truyền thống, torii được dựng từ đá có mầu trắng hoặc xám xanh nhuốm màu rêu phong, trong khi cổng gỗ thường được sơn mầu đỏ son (chu sa). Người Nhật tin rằng sắc đỏ tượng trưng cho sức sống, mùa màng bội thu và còn có thể xua đuổi tà ma, bệnh tật. Giờ đây, torii hiện đại được làm từ nhiều vật liệu khác như thép, xi-măng, đồng, sứ, đôi khi cả nhựa dẻo. Và không chỉ có mầu đỏ hay trắng, torii nay có cả mầu xanh, vàng, hay thậm chí được sơn mầu hồng, chẳng hạn như cánh cổng nổi tiếng tiệp màu với thảm hoa chi anh hồng rực ở công viên Shibazakura, Hokkaido.
Một khi bước qua torii, có nghĩa là bạn đã đi vào một không gian linh thiêng. Nhiều đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản có nghi lễ rửa tay, súc miệng trước khi đi qua torii. Hoặc ở một số nơi, người dân địa phương và du khách khẽ cúi đầu kính cẩn một lần rồi mới bước vào.
Tương tự như núi lửa Fuji (Phú Sĩ), torii cũng là một hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của nước Nhật. Nhưng nếu như Fuji chỉ có một, thì ước tính có khoảng 100.000 ngôi đền thờ Thần đạo khắp Nhật Bản với mỗi nơi ít nhất một torii! Tất nhiên, luôn có những chiếc torii nổi bật hơn cả về lịch sử hoặc quang cảnh, thu hút đông đảo du khách từ khắp thế giới đến tham quan, tìm hiểu và check-in. Du khách đến Nhật thường tìm đến những torii lừng danh.
Cổng torii bằng gỗ trước đền thờ Meiji Jingu, Tokyo.
Đền Meiji Jingu, Tokyo
Được bao quanh bởi một khu rừng xanh tươi ngay trung tâm Thủ đô nước Nhật, ngôi đền Thần đạo này thờ Thiên hoàng Meiji (1852-1912) và Hoàng hậu. Torii bằng gỗ được dựng ngay trước lối vào Thần cung, cao khoảng 12 mét. Chỉ cần bước chân qua cánh cổng mầu nâu trầm thâm nghiêm, bạn sẽ có cảm giác khó tin được là đang đứng giữa “trái tim” của một trong những đô thị đông đúc, sầm uất nhất hành tinh. Đền thờ này là nơi cầu phúc đầu năm nổi tiếng nhất Tokyo, với lượng người ghé thăm vào những ngày đầu năm mới nhiều hơn bất kỳ đền, chùa nào khác trong cả nước. Một số sự kiện văn hóa khác như nghi lễ đấu Sumo, đám cưới truyền thống, lễ hội búp bê... cũng được tổ chức ở đây.
Đền Itsukushima, Hiroshima
Luôn có mặt trong mọi chương trình, ấn phẩm giới thiệu về du lịch Nhật Bản, chiếc cổng vĩ đại mầu đỏ cam nổi lên giữa biển khơi, phía trước đền Itsukushima linh thiêng của đảo Miyajima. Hòn đảo nhỏ này mệnh danh là một trong ba cảnh đẹp kỳ quan của nước Nhật, cũng như được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Torii của đền làm từ gỗ bách, long não, tuyết tùng kết hợp đá và cát. Đáng kinh ngạc, chiếc cổng không có móng mà trụ vững hoàn toàn bởi kết cấu hoàn hảo và sức nặng (cao 16 mét, nặng 60 tấn). Ở bất kỳ khoảnh khắc nào, khi thủy triều dâng cao hay rút đi, bình minh hay hoàng hôn, chiếc cổng trông cũng vô cùng tráng lệ bên ngôi đền 1.400 năm tuổi.
Đền Fushimi Inari, Kyoto
Đền vạn cổng Fushimi Inari nằm trên một ngọn núi ở Kyoto, nổi danh với khoảng 10.000 cánh cổng đỏ thắm nối tiếp nhau dài 4 cây số. Đền chính được xây từ thế kỷ thứ 8, thờ các vị thần lúa gạo, thương mại và kinh doanh. Cố đô Kyoto có tới hàng trăm đền, chùa vàng son lộng lẫy, nhưng đền Fushimi Inari vẫn là cái tên không thể bỏ qua với trải nghiệm đi dưới “đường hầm” tạo bởi torii dày đặc, rực rỡ. Vào những ngày nắng, ánh sáng lấp lánh xuyên qua những khoảng trống, đôi khi có bóng dáng các nam, nữ thanh niên mặc yukata truyền thống dạo bước qua. Cảnh thần tiên ấy đã làm rung động, say mê biết bao du khách, nhiếp ảnh gia, và là bối cảnh nhiều bộ phim nổi tiếng về văn hóa Nhật Bản, như “Hồi ức của một Geisha”.
Đền Hakone Jinza, Kanagawa
Torii của đền Hakone có vị trí tuyệt vời: sát mép nước trong xanh của hồ Ashi, phía sau là khu rừng nguyên sinh xanh ngắt mùa xuân và ngả mầu vàng cam nồng nàn về mùa thu. Khi trời quang đãng, nếu du ngoạn bằng thuyền trên mặt hồ, bạn có thể nhìn rõ khung cảnh ấn tượng với chiếc cổng đỏ thẫm ngay dưới núi tuyết trắng Fuji và những áng mây bồng bềnh. Đền Hakone Jinza được xây dựng từ 1.200 năm trước. Xưa, nhiều vị tướng quân đã ghé đây cầu nguyện cho chiến thắng. Còn nay, ngôi đền đặc biệt nổi tiếng linh nghiệm trong các vấn đề hôn nhân, tình duyên. Thị trấn Hakone cũng là địa danh du lịch hấp dẫn với những suối nước nóng tự nhiên đẹp nhất Nhật Bản.
Bên cạnh những cánh cổng lừng danh có bề dày lịch sử và đông khách du lịch, bạn còn có thể bắt gặp torii ở bất kỳ đâu, trên núi non, dọc bờ biển hay giữa cánh rừng. Những tay leo núi can đảm chinh phục đỉnh núi Fuji cao 3.776 mét sẽ được ngắm đại dương mây trắng kề bên cánh cổng torii uy nghiêm, đúng như chốn thiên đường theo mọi nghĩa. Nếu đến tỉnh Kumamoto, đừng quên tìm đến đền Kamishikimi Kumano Imasu để chiêm ngưỡng chiếc torii đá phủ đầy rêu xanh như hòa lẫn vào rừng cây cổ thụ chung quanh... Len lỏi trong những khu phố cổ, hay lái xe về vùng nông thôn, không khó để thấy những chiếc torii bên đường với mọi kích cỡ, chất liệu. Phần lớn torii là dấu hiệu của đền thờ hoặc chốn linh thiêng, nhưng cũng có khi chúng chỉ đơn giản là một lời nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan nơi công cộng.
Bao nhiêu torii là bấy nhiêu dáng hình và chuyện kể. Khám phá những cánh cổng độc đáo ấy để hiểu thêm về một trong những di sản văn hóa quan trọng và đặc sắc bậc nhất của xứ sở hoa anh đào./.
Hoàng Hạnh
Nguồn: Báo Nhân dân