Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quản lý, bảo vệ Di sản Tràng An
Các đại biểu dự lớp tập huấn quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản tại xã Trường Yên (Hoa Lư).
Từ đầu năm đến nay Ban Quản lý đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho gần 350 cán bộ chủ chốt thuộc 7 xã ở địa bàn 2 huyện Gia Viễn và Hoa Lư - những địa phương nằm trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới-Quần thể danh thắng Tràng An.
Có thể khẳng định, sau hơn 5 năm được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản đã thu được các kết quả tích cực. Các giá trị nổi bật toàn cầu được tôn trọng và gìn giữ; ý thức bảo vệ, phát huy giá trị Di sản của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp trong quản lý Di sản ngày một chặt chẽ. Cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái, các di tích lịch sử, văn hóa được bảo vệ tốt. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hạ tầng du lịch được đảm bảo và duy trì; chất lượng nguồn nhân lực đã từng bước được nâng lên. Bảo tồn Di sản và khai thác các giá trị của Di sản để phát triển du lịch đã có sự cân bằng đáng kể, Di sản đã và đang mang lại lợi ích và ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương.
Danh hiệu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình - điểm đến của Di sản Thế giới trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc giải quyết hài hòa giữa vấn đề bảo tồn di sản và phát triển du lịch cũng đang gặp phải không ít khó khăn. Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu Di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, đặc biệt ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ giữa các điểm du lịch.
Loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo hình thức nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (dạng homestay) phát triển mạnh, tăng nhanh, chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Trường Yên, huyện Hoa Lư; xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình.
Đồng thời, sự tăng trưởng dân số cũng dẫn đến nhu cầu về nhà ở của người dân tăng lên đã tạo ra những khó khăn và áp lực nhất định cho công tác quản lý, bảo tồn cảnh quan môi trường Di sản, trong khi chưa có quỹ đất để di dời người dân sống rải rác trong vùng lõi của Di sản ra vùng đệm.
Đồng chí Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An nhấn mạnh: Trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ thành công Hồ sơ Di sản; việc gìn giữ và trao truyền Di sản cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhất là cộng đồng dân cư trong khu Di sản.
Trước mắt, các cấp, ngành phải coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp lý, quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Phần lớn diện tích khu vực Di sản chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư (thuộc 42 thôn của 9 xã: Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Vân, Ninh Hòa, Ninh Mỹ, Ninh Giang, Trường Yên, Ninh An), trong đó: Xã Trường Yên có 16 thôn, chủ yếu các thôn này đều nằm trong lõi của Di sản; xã Ninh Hòa có 7 thôn. Đây là những khu vực đan xen giữa việc cấm và hạn chế xây dựng, cần kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt. Một phần địa giới hành chính thôn Trung Trữ xã Ninh Giang, thôn Phong Hòa xã Ninh Mỹ nằm trong vùng đệm của khu Di sản.
Qua công tác tuần tra, giám sát công tác quản lý và bảo vệ Di sản trên địa bàn huyện Hoa Lư, đặc biệt là xã Trường Yên, Ninh Hòa trong thời gian qua, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An nhận thấy việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự xây dựng, quản lý sử dụng đất đai và kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đã và đang dần đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân đối với việc chấp hành các quy định quản lý, bảo tồn Di sản.
Tuy nhiên vẫn còn một số cá nhân và doanh nghiệp chưa thực hiện theo các quy định của nhà nước, của tỉnh, các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là: xây dựng mới nhà ở không hoặc chưa có giấy phép xây dựng, xây dựng công trình vượt quá chiều cao quy định, tự ý kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trong vùng lõi Di sản, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch không đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định…
Các hành vi vi phạm vẫn diễn ra, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. Từ năm 2017 đến nay, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An phối hợp với UBND xã Trường Yên lập 68 biên bản làm việc đối với 46 hộ gia đình có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai chủ yếu tập trung trên địa bàn thôn Trường An, thôn Chi Phong. Phối hợp với UBND xã Ninh Hòa lập 14 biên bản đối với 10 hộ gia đình có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, sử dụng đất đai tập trung chủ yếu tại khu vực hang Nghì, Đồng Mấu (Cái Hạ).
Hiện nay, trên địa bàn xã Trường Yên có tổng số 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có 26 cơ sở hoạt động kinh doanh tại vùng lõi Di sản (17 cơ sở hoạt động trước thời điểm Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và 9 cơ sở hoạt động sau thời điểm ban hành Quyết định số 230/QĐ-TTg) và có 4 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trong vùng đệm Di sản.
Sau khi kiểm tra, ngày 27/12/2018 và ngày 18/7/2019, Sở Du lịch đã ban hành văn bản yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với 9 cơ sở hoạt động trong vùng lõi Di sản. Ngày 23/7/2018 và ngày 14/3/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có thông báo về việc không hoạt động lưu trú du lịch trong vùng lõi Di sản đối với những cơ sở này, tuy nhiên đến nay các cơ sở vẫn đang tiếp tục hoạt động.
Các Quy định quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản từ Trung ương đến địa phương đã cơ bản đảm bảo một cơ chế tư vấn hợp lý giữa Ban quản lý và các bên có liên quan, mang lại một cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý Di sản và bảo tồn thiên nhiên nói chung. Vì thế, các lớp tập huấn về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An cho cán bộ chủ chốt cấp xã ở các địa bàn là rất cần thiết. Đây là lực lượng trực tiếp nắm bắt thông tin và thực hiện xử lý ngay từ cơ sở và mỗi địa bàn.
Để tiếp tục khẳng định những cam kết, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trong khu Di sản làm tốt công tác quản lý, bảo tồn gắn với phát huy giá trị Di sản./.