Thanh Hóa: Phát triển du lịch cộng đồng - tâm linh ở huyện Thường Xuân
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tận dụng ưu thế của địa phương, hiện nay huyện Thường Xuân đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, để nơi đây trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh trong tương lai.
Tiềm năng, thế mạnh
Mảnh đất Thường Xuân đã đi vào thơ ca với sản phẩm quế Ngọc nổi tiếng “...về Thường Xuân thơm lừng hương quế,” nơi đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Mỗi ngọn núi con sông, tên làng, tên bản đều gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước.
Đến với Thường Xuân là đến với phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Mường, đồng bào vùng giáp ranh với nước bạn Lào và thưởng thức những món ăn dân dã mà đậm đà khó quên.
Thường Xuân còn có cảnh quan thiên nhiên đa dạng phong phú tạo nên một quần thể sinh thái hấp dẫn. Đó là lòng Hồ Cửa Đạt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với nhiều loài động, thực vật tìm thấy ở đây được ghi trong sách đỏ thế giới và Việt Nam.
Đó là hệ thống các hang động và thác nước đẹp mê hồn như Hang Lù, hang Lãm, hang Mường, hang Trăng Sáng, thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thác Trai Gái. Đó là các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng: Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn (Mẹ của núi rừng) nằm trong quần thể Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt, Khu Di tích Hội thề Lũng Nhai là điểm nhãn trong bức tranh du lịch tâm linh của đất Thường Xuân.
Ngoài ra, Thường Xuân còn có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng, nhiều làng nguyên sơ và nét văn hóa truyền thống của người Thái đang còn được gìn giữ.
Từ đường tỉnh qua cây câu treo vắt qua dòng sông Chu hiền hòa thơ mộng là bản Mạ (nay là Thôn Thanh Xuân ) xã Xuân Cẩm là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện. Cảnh quan nơi đây thơ mộng hữu tình, người dân sống rất hiền hậu, thật thà và hiếu khách.
Đặc biệt, người dân vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Thái như Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Cùng với nhiều món ăn đặc trưng chỉ đồng bào Thái mới có như canh ui, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng...
Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng
Nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó có việc xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng.
Bản Mạ (thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân) nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm là một trong 2 địa điểm được huyện Thường Xuân chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng.
Bản Mạ có 57 hộ dân, với 246 nhân khẩu, là thôn có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Nơi đây có những nếp nhà sàn xinh xắn nép mình bên sườn núi, với những sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Hiện trong bản vẫn bảo tồn được trên 30 ngôi nhà sàn cổ, 7 hộ duy trì được nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm và đan lát.
Đến với bản Mạ, du khách được trải nghiệm và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái, được tham quan, tìm hiểu các phong tục tập quán qua nếp nhà sàn cổ, được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ, trồng lúa, ngắm ruộng bậc thang...
Tất cả món ăn của người Thái ở bản Mạ đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên được tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ và cẩn thận.
Tới bản Mạ, du khách được thưởng thức những món ăn độc đáo của địa phương như canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo, gà nướng, thịt lợn cỏ nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc, rêu đồ...
Những món ăn này được chế biến theo kinh nghiệm và được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Từng món ăn như chứa đựng cả tấm lòng của người dân bản Mạ gửi gắm vào đó.
Có lẽ vì thế, khoảng chục năm trở lại đây, bản Mạ trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với những người ưa thích khám phá, trải nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Ngân (du khách đến từ thành phố Thanh Hóa) cho biết vào dịp cuối tuần, chị thường cùng gia đình, bạn bè đến bản Mạ, bởi nơi đây không quá xa thành phố, chị có thể yên tâm dành trọn 2 ngày nghỉ để trải nghiệm 1 cuộc sống khác với cuộc sống thường ngày nơi phố thị.
“Đến đây, chúng tôi được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh, được thưởng thức những món ăn ngon trên những căn nhà sàn cổ, nạp đầy năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo sau kỳ nghỉ.” - chị chia sẻ.
Gia đình ông Vi Văn Tiên là một trong 5 hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng (homestay) ở bản Mạ. Nhận thấy nhu cầu ăn, nghỉ của khách du lịch khi tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn, ông Tiên cùng gia đình quyết định đầu tư, sửa chữa lại 2 ngôi nhà sàn truyền thống, tạo cảnh quan xung quanh để phục vụ du khách.
Ông Tiên cho biết ban đầu, du khách đến bản Mạ còn ít, chủ yếu là 1 vài đoàn khách “đi qua,” thấy nơi này đẹp thì tiện chân ghé chơi. Nhưng dần dần, khách đến nhiều hơn, nhất là từ khi huyện Thường Xuân triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình ông và nhiều hộ dân trong bản đã có những thay đổi rõ rệt.
Thu nhập mỗi tháng của gia đình từ du lịch cộng đồng dao động từ 20-50 triệu đồng.
Chị Hà Thị Sen (bản Mạ, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân) cho biết trước đây khi chưa có cầu treo, bản Mạ hoàn toàn bị chia cách với bên ngoài bởi con sông Chu, dân bản sống tự cung tự cấp, vào rừng kiếm măng, kiếm củi, nuôi con gà, con trâu.
Từ khi huyện hướng dẫn cho làm du lịch cộng đồng, gia đình chị cùng 3 hộ dân khác được vay vốn ưu đãi, được tham gia các lớp tập huấn làm du lịch, rồi về áp dụng vào gia đình mình. Giờ gia đình chị đã có công ăn việc làm, thu nhập đều đặn. Chị dự định tiếp tục vay vốn đầu tư, mở rộng thêm các căn nhà sàn cộng đồng để hướng tới đón lượng du khách lớn hơn.
Sau 3 năm triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân giai đoạn 2016-2020, bản Mạ đã có 14 gia đình đủ các điều kiện phục vụ khách du lịch, bình quân mỗi năm bản đón từ 7.000-10.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Nhờ mô hình du lịch cộng đồng, người dân bản Mạ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, từ đó thoát nghèo.
Hướng tới điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh
Tháng 5/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định phê duyệt về định hướng phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, huyện Thường Xuân phấn đấu đến năm 2020 đón 10.000 lượt khách du lịch cộng đồng, trong đó có 500 lượt khách du lịch quốc tế và 9.500 lượt khách du lịch nội địa; đến năm 2025 nâng lên 20.000 lượt khách du lịch, với khoảng 2.000 lượt khách du lịch quốc tế và 18.000 lượt khách du lịch nội địa.
Để đạt mục tiêu trên, huyện Thường Xuân sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa quảng bá, xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp lữ hành du lịch xây dựng tour, tuyến đến các điểm tham quan; thực hiện quảng bá tiềm năng du lịch tại Hội chợ du lịch Quốc tế VITM - tại Hà Nội hàng năm.
Huyện cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng thực hiện nhiều tin, bài, phóng sự, video giới thiệu về tiềm năng du lịch huyện Thường Xuân.
Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thường Xuân cho biết trong năm 2019, Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân tập trung xây dựng, phát triển hai điểm du lịch cộng đồng tại bản Mạ (xã Xuân Cẩm) và thôn Vịn (xã Bát Mọt).
Cùng với việc tổ chức các giải pháp đồng bộ về quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, huyện đã tập trung bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây như các ngôi nhà sàn truyền thống, điệu khua luống, nhảy sạp, dệt thổ cẩm, các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, dân tộc Mường... coi đây là những thế mạnh riêng có để từ đó đẩy mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương./.