Ninh Bình: Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, điểm đến du lịch
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư như: Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh về ban hành Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13/7/2009 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 07, ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ UBND tỉnh, Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 08/3/2017 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý nhà nước về du lịch và quản lý quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2018, cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh được tiếp tục quan tâm đầu tư. Hiện toàn tỉnh có 570 cơ sở lưu trú với 6.910 phòng ngủ, trong đó có 54 khách sạn đạt từ 1-2 sao, 6 khách sạn đạt từ 3-4 sao. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện một số hạng mục công trình của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An, dự án nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động - Hang Bụt và Thạch Bích - Thung Nắng, các doanh nghiệp đầu tư cấc dự án xây dựng cơ sở lưu trú ...
Đăng ký danh mục các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trong kế hoạch đầu tư công năm 2018 và triển khai xây dựng kế hoạch năm 2019. Ban hành Quyết định chủ trương đầu tư cho 02 dự án; chấp thuận chủ trương điều chỉnh cho 05 dự án đầu tư phát triển du lịch.
Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành du lịch định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, hấp dẫn. Trong năm 2018, ngành du lịch đã chỉ đạo tổ chức thành công các hoạt động du lịch nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt (Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia) mà điển hình là Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”, góp phần thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm.
Thành phố Ninh Bình đã xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ kết hợp mua sắm ẩm thực trên địa bàn phường Đông Thành, tạo không gian cho hoạt động vui chơi về đêm của khách du lịch và nhân dân, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh. Triển khai thực hiện đề án hỗ trợ mô hình phát triển rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình đến năm 2020; tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Ninh Nhất. Hoàn thành đầu tư giai đoạn III xây dựng cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với diện tích 30,64ha, tổng số vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, đến nay đã có trên 100 doanh nghiệp và các hộ chế tác đá đi vào sản xuất.
Tiếp tục phát triển sản phẩm làng nghề, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch năm 2018; hỗ trợ cho Làng nghề thêu ren Văn Lâm sửa chữa, tu bổ đền thờ Tổ nghề thêu và lắp đặt tủ trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Sở Công thương nhằm quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của tỉnh; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ du lịch cho 17 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm đến du lịch song du lịch vẫn còn một số tồn tại, trong đó phải kể đến việc kêu gọi đầu tư các dự án ngoài ngân sách đầu tư lĩnh vực du lịch còn khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhiều nhà đầu tư còn thực hiện chậm tiến độ. Các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước còn dở dang do thiếu vốn, không đạt được hiệu quả đầu tư.
Nguyên nhân, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì việc quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, chưa thu hút được các nhà đầu tư du lịch chiến lược có thương hiệu, kinh nghiệm, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng du lịch Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch
Tăng cường công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư các dự án lĩnh vực phát triển du lịch, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược; tăng cường giám sát và đôn đốc các dự án đầu tư về du lịch thực hiện theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch có lợi thế và tính cạnh tranh cao; kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch của Ninh Bình với các tỉnh, thành phố; tiếp tục hoàn thiện các nhóm sản phẩm du lịch gắn với làng nghề, cộng đồng, nông nghiệp, du lịch văn hóa...
Có thể nói sự kết hợp hài hòa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với việc xây dựng điểm đến du lịch của Ninh Bình sẽ có điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch góp phần hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng và độc đáo, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, từng bước đưa Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch phía Bắc và cả nước./.