Ninh Bình: Lạc lối với những con đường bích họa tại vùng quê yên bình
Tranh tường được vẽ ở khắp các ngõ xóm. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Những hình ảnh được chọn vẽ trên những bức tường gắn với lịch sử văn hóa, với con người của vùng đất Cố đô Hoa Lư đã tạo nên một diện mạo mới khang trang, tràn đầy sức sống cho vùng quê yên bình.
Về xã Trường Yên những ngày này, du khách như “lạc lối” bởi cảnh đẹp nên thơ do những con đường bích họa tạo nên.
Hàng chục bức họa đủ sắc màu khắc họa lịch sử, nét đẹp của vùng đất cố đô với những danh thắng nổi tiếng thay thế cho những bức tường cũ, nhuốm màu thời gian.
Chị Nguyễn Thị Tố Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Yên, cho biết: “Sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoa Lư phát động, chị em phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, triển khai kế hoạch thực hiện con đường bích họa đến 16 thôn, xóm. Phần lớn người dân đều ủng hộ kế hoạch, người góp kinh phí, người tham gia ngày công để xây dựng, quét vôi nhiều bức tường để các họa sĩ vẽ tranh.”
Trước khi thực hiện, mỗi thôn sẽ lựa chọn chủ đề riêng cho những bức họa. Sau đó, chính quyền địa phương tư vấn, lựa chọn chủ đề phù hợp. Hầu hết các bức tranh tại các xã có chủ đề về lịch sử của quê hương, về bậc quân vương có công dẹp loạn 12 sứ quân hoặc sự đổi mới của địa phương…
Các bức tường nhỏ được vẽ với những chủ đề đa dạng hơn, khắc họa hình ảnh quen thuộc của miền quê đồng bằng Bắc Bộ như cây đa, giếng nước, sân đình…
Sau khi hoàn thiện, các con đường bích họa mang đến một diện mạo mới cho vùng quê Trường Yên.
Đến nay, toàn xã có 47 bức tranh tường độc đáo ở 16 thôn, đã được hoàn thành với tổng chi phí gần 100 triệu đồng, chủ yếu là nguồn lực xã hội hóa.
Bà Đinh Thị Ngát, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư chia sẻ, người dân xã Trường Yên rất phấn khởi khi chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới mạnh mẽ cả về kinh tế-xã hội, đời sống của người dân ngày càng ổn định, văn minh.
Do đó, bà rất vui khi được góp sức chung tay cùng bà con, chính quyền địa phương xây dựng, kiến thiết những con đường bích họa độc đáo.
“Những con đường bích họa được hình thành từ công sức chung sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho mỗi người dân. Ai cũng có ý thức và hành động cụ thể, thiết thực để tạo sự phong quang, sạch đẹp cho mỗi tuyến đường,” bà Ngát cho biết.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoa Lư, với mục tiêu làm đẹp nông thôn, hình thành những khu “dân cư nông thôn mới kiểu mẫu,” “làng quê đáng sống” để nâng chất lượng cuộc sống người dân và thu hút khách đến thăm, từ năm 2019, Hội đã triển khai mô hình con đường bích họa tại các địa phương.
Ban đầu, xã Ninh Giang được chọn làm điểm mô hình với 10 bức tranh tường.
Từ những kết quả nổi bật mà mô hình mang lại, các địa phương khác đã đến học tập và nhân rộng mô hình. Hơn một năm triển khai thực hiện, 11/11 xã trên địa bàn huyện Hoa Lư đều có ít nhất một con đường bích họa với tổng số 148 bức tranh.
Chị Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoa Lư, cho biết để có được những bức tranh vẽ đẹp mắt, ngay từ cuối năm 2019, các địa phương đã dần hoàn thiện việc làm đường bêtông, xây, trát các khu vực bờ tường; sau đó mới được tiến hành vẽ tranh. Huyện Hoa Lư là địa phương giàu tiềm năng du lịch, mảnh đất một thời là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, nơi phát tích ba triều đại nhà Đinh, nhà Lê và nhà Lý; nhiều danh lam thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng.
Vì vậy, chủ đề trên những bức tranh tường đều khắc họa lịch sử, vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh tại địa phương.
Qua những nét vẽ sắc sảo, chân thực giúp cho người xem hiểu được lịch sử vẻ vang của dân tộc và giới thiệu về vẻ đẹp của vùng đất Cố đô Hoa Lư; thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan và chiêm ngưỡng.
Thời gian tới, huyện Hoa Lư sẽ tiếp tục tuyên truyền nhằm xây dựng thêm nhiều tuyến đường bích họa góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, nâng cao ý thức cho người dân và thu hút đông đảo du khách đến thăm quan.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung, du khách đến từ tỉnh Nam Định cho biết các bức tranh đã kể nhiều câu chuyện về lịch sử của mảnh đất, con người nơi đây khiến chị Dung rất ấn tượng.
Các bức tranh lớn, nhỏ với các chủ đề khác nhau, song chị đặc biệt ấn tượng với bức bích họa trên bức tường dài khoảng chục mét, tái hiện tuổi thơ của Đinh Tiên Hoàng đế bên những người bạn thuở niên thiếu, cùng nhau chơi trò cờ lau tập trận qua nét vẽ sắc sảo, chân thực...
"Ngắm những con đường bích họa, du khách lần đầu về với Ninh Bình như tôi cảm thấy ấm áp, thân quen. Chắc chắn, tôi sẽ còn trở lại vùng quê xinh đẹp này thêm nhiều lần nữa," chị Dung chia sẻ.
Những con đường bích họa được hình thành đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn sạch đẹp đường làng, ngõ xóm, không vứt rác bừa bãi...
Những con đường này đã góp phần cổ vũ, khích lệ người dân cùng nhau có ý thức chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển và gửi gắm trong đó những khát vọng về một cuộc sống mới bình yên, tươi sáng./.