Hoạt động của ngành

Ninh Thuận: Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch

Cập nhật: 29/06/2020 10:34:42
Số lần đọc: 922
Khai thác lợi thế địa hình, khí hậu, gần đây ngành Du lịch đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch phong phú, mới lạ, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan. Đáng chú ý, là mô hình phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Đây là hướng đi mới của ngành Du lịch, nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp, nâng thu nhập của người dân vùng nông thôn.


Du khách tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên tại khu vực rong biển ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: H.N

Khi nông dân làm du lịch

Theo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Ninh Thuận, hiện nay nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các trang trại, vườn cây ăn quả gắn với tour tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu các giá trị di sản văn hóa ngày một tăng đã tạo cơ hội cho nhiều hộ dân, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất kết hợp làm dịch vụ, góp phần làm gia tăng giá trị nông sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Du lịch nông nghiệp là hướng đi mới đang được tỉnh đẩy mạnh phát triển. Đặc biệt, người dân đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư, biến những vùng cây trái trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách.

Nhắc đến du lịch trải nhiệm không thể bỏ qua làng nho Thái An. Trước đây, người dân ở đây chỉ biết trồng nho bán cho thương lái, từ khi du lịch phát triển, làng nho Thái An là điểm đến du lịch của tỉnh theo tuyến Phan Rang - Vĩnh Hy. Đến nay, nơi đây đã có hơn 30 hộ dân tham gia hoạt động du lịch, vườn nho trở thành điểm tham quan của du khách, ngoài tham quan du khách còn được tận tay thu hoạch nho, thưởng thức nho tươi, vang nho, sirô nho và các đặc sản Ninh Thuận ngay tại vườn. Kể từ khi người dân Thái An khai thác vườn nho trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách khi tới Ninh Thuận, thu nhập của nông dân được cải thiện đáng kể.

Một trong những điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu khác xuất phát từ hộ dân là Khu Du lịch Văn hóa sinh thái Sen Caraih Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Mô hình này do anh Quảng Ngọc Nhiên - một thầy giáo trẻ người Chăm làm chủ, được đưa vào khai thác từ năm 2017. Từ hiệu quả của mô hình, một số hộ dân xung quanh cũng trồng sen, mở rộng diện tích có nhiều giống sen mới, tạo thêm tiểu cảnh như cầu tre, chòi lá để tạo cảnh quan đẹp, nhằm thu hút du khách.

Anh Dương Minh Khôi, một nông dân làm du lịch vườn sen, chia sẻ: Ngày trước, nhà tôi trồng 5 sào sen để bán ngó sen, nhưng hiệu quả không cao. Sau khi thấy mô hình Sen Carail hoạt động có hiệu quả, tôi chuyển đổi từ trồng sen lấy ngó thành điểm du lịch sinh thái. Điểm du lịch sen nhà tôi có lượng du khách đến tham quan khá đông, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay, ngoài Khu du lịch Sen Caraih ra, còn có các điểm du lịch sinh thái sen như: Saraphat, Hoa Tín, Mỹ Hưng… là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Năm 2018, UBND huyện Ninh Sơn đã triển khai xây dựng mô hình du lịch vườn trái cây Lâm Sơn, với diện tích khoảng 600ha mở cửa đón khách đến thăm quan, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản trái cây của địa phương, tạo thu nhập đáng kể cho nhà vườn.

Hay như cánh đồng hoa Thì Là, Eco-Chi Homestay, thôn An Hòa (Xuân Hải, Ninh Hải), Phim trường Du Long, Peace Home,... là mô hình du lịch homestay đáp ứng nhu cầu và xu hướng hiện nay của du khách, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân,...

Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Từ những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại, trồng cây ăn quả tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy du lịch gắn với nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch đã tạo nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.

Giải pháp phát triển các loại hình du lịch

Để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí để phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã đầu tư trên 20,4 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ du lịch cộng đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn truyền thống, cải tạo cảnh quan; lắp đặt hệ thống thu gom rác thải, các biển báo chỉ dẫn; hỗ trợ xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, để đưa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch, tỉnh đẩy mạnh phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thông qua xây dựng Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể cho 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh để người tiêu dùng, du khách biết tới nhiều hơn. Triển khai dán “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc thù, xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù tại các khu du lịch, tạo thuận lợi cho du khách có nhu cầu tham quan, mua sắm.

Đồng chí Hồ Sỹ Sơn, cho biết thêm: Để du lịch tỉnh nhà phát triển, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành Du lịch thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống phục vụ du khách. Đồng thời, hướng dẫn cách thức quảng bá sản phẩm, kiến thức an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành Du lịch tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch trên các phương tiện truyền thông, xây dựng Trang thông tin điện tử quảng bá du lịch đa ngôn ngữ, liên kết với trang thông tin quảng bá du lịch của Tổng Cục Du lịch và các địa phương trong cả nước, các doanh nghiệp, các hãng lữ hành để cung cấp thông tin, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, nhất là sử dụng hiệu quả “Cổng thông tin Du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động” trở thành công cụ hiệu quả để giới thiệu quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của tỉnh, và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Du lịch phát triển, đời sống người dân cũng được cải thiện hơn, đặc biệt qua các mô hình du lịch của chính người dân địa phương đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút được lượng khách đến Ninh Thuận ngày càng tăng. Bên cạnh đó, không thể thiếu vai trò quản lý của nhà nước trong công tác quản lý, quy hoạch, liên kết, có như vậy mới nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch tỉnh ta trong giai đoạn tiếp theo./.

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Cùng chuyên mục