Nơi “hồi sinh” nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền ở Cao Bằng
Thành viên Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) mang các sản phẩm thổ cẩm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ tại phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố).
Thăng trầm gìn giữ nghề dệt
Làm quen với nghề từ khi mới 6, 7 tuổi, dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề tạo thu nhập mà còn là nơi gửi gắm tâm tình của người Dao Tiền. Thông qua màu sắc, họa tiết trên nền vải, phụ nữ Dao Tiền đã dệt nên những mảnh vải thổ cẩm để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình, như: chăn, địu, tấm trải gối, trải giường… rất đẹp mắt, tinh tế và ẩn chứa nhiều nét văn hóa truyền thống. Do đó, nghề dệt thổ cẩm được coi là “hồn cốt” tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao Tiền.
Tuy nhiên, trước những đổi thay của đời sống và nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng và nguy cơ mai một, thất truyền. Để gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền, năm 2012, Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng (DECEN) phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đại An (Thành phố) thành lập Tổ sản xuất thêu thổ cẩm dân tộc Dao ở xóm Nà Chắn - Thang Coỏng, xã Hoa Thám gồm 17 thành viên. Tổ được hỗ trợ 20 triệu đồng mua vải, đay, chỉ thêu...; hỗ trợ 50% kinh phí mua 4 máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 bàn là; được tập huấn cách thêu, cách xây dựng kế hoạch...
Từ những tấm vải thổ cẩm truyền thống chủ yếu dùng để phục vụ sinh hoạt, sản phẩm của chị em phụ nữ ở đây trở thành hàng hóa được quảng bá rộng rãi tới các vùng, miền và du khách nước ngoài. Hằng năm, vào trung tuần tháng 11, Tổ sản xuất thêu thổ cẩm cử 1, 2 thành viên cùng Trung tâm Phát triển cộng đồng Cao Bằng mang sản phẩm đi quảng bá tại Hội chợ Thương mại, triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Đến năm 2014, khi dự án kết thúc, do không duy trì được nguồn cung cấp nguyên vật liệu và tìm đối tác đặt hàng để có đầu ra ổn định… nên Tổ sản xuất thêu thổ cẩm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc duy trì nghề truyền thống của địa phương.
Nhớ lại thời điểm đó, bà Đặng Thị Diệu, xóm Nà Chắn, từng là thành viên của Tổ sản xuất thêu thổ cẩm cho biết: Nghề dệt thổ cẩm thu hút và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào. Nhưng những năm gần đây, nghề dệt truyền thống đang dần bị mai một, hoặc nếu còn cũng chỉ tồn tại một cách “lay lắt”.
Để hoàn thành một chiếc váy thổ cẩm nhanh nhất phải mất một tuần, trong khi đó quần áo trên thị trường có bán sẵn, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền vừa phải là mua được. Công làm nghề dệt thổ cẩm quá thấp so với làm các nghề khác nên con cháu trong gia đình không còn hào hứng theo nghề. Dù biết nghề truyền thống của cha ông truyền lại bỏ thì không được, nhưng để sống với nghề rất khó. Trước đây dệt thổ cẩm là nghề chính nhưng nay đành chuyển thành nghề phụ của gia đình...
Nỗ lực “hồi sinh” tinh hoa của người Dao Tiền
Trước thực trạng trên, việc bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao Tiền trên địa bàn xã Hoa Thám là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm. Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra để đồng bào Dao Tiền sống được với nghề, yên tâm bám nghề. Chủ tịch UBND xã Hoa Thám Hoàng Tòn Sao cho biết: Xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, nòng cốt là Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động bà con trong các xóm khôi phục nghề dệt truyền thống. Để bà con có vốn sản xuất, xã chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện và huy động các nguồn lực để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn mua nguyên liệu đầu tư, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Năm 2017, UBND xã quyết định thành lập Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng.
Với vai trò Tổ trưởng của Xưởng thêu, chị Triệu Thị Ním chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay Xưởng thêu có 17 thành viên tham gia và sản xuất ổn định. Các thành viên của Xưởng thêu ngoài việc tạo ra sản phẩm thổ cẩm truyền thống còn là những nghệ nhân tâm huyết luôn sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ học nghề. Mong các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ để mô hình Xưởng thêu thổ cẩm của xóm Nà Chắn phát triển, gắn với khai thác những tiềm năng, lợi thế du lịch để bà con tiếp tục phát triển nghề dệt hiệu quả.
Điều đáng ghi nhận từ khi Xưởng thêu được thành lập, không khí sản xuất thổ cẩm trên địa bàn ngày càng phát triển, xưởng cử một số chị em đi các nơi có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng để học hỏi. Sau những lần đi tham quan, học hỏi từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, chị em đã sáng tạo nên những mẫu mã mới, cách làm mới, như: móc chìa khóa, khăn trải bàn, ba lô, túi đựng điện thoại…; vì thế sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng được người tiêu dùng ưa thích.
Các thành viên trong Xưởng thêu rất năng động, hằng tháng tổ chức đến các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trong tỉnh hoặc tuyến phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố) để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm. Năm 2018, xưởng được chọn làm đối tác trong tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình, khi có du khách đến tham quan, các thành viên luôn nhiệt tình hướng dẫn, giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc, kỹ năng, nghệ thuật làm trang phục truyền thống và dệt thổ cẩm của dân tộc Dao Tiền với du khách.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng, để phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Dao Tiền, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các xóm, xã còn lưu giữ những nét văn hóa thêu thổ cẩm thành lập các tổ, nhóm sở thích. Xưởng thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả đã và đang góp phần “hồi sinh” nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo thêm thu nhập cho đồng bào.
Việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hiện, huyện tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá và nâng cao mức sống cho người dân.