Phụ nữ buôn Knia gìn giữ nghề dệt truyền thống
Aduôn Y Nhanh dệt chăn.
Năm nay bà Aduôn Y Nhanh đã bước sang tuổi 53, mắt kém hơn xưa nhưng ngày ngày bà vẫn miệt mài, cặm cụi bên khung cửi để dệt những bộ quần áo, chăn, khố, váy được đặt hàng. Aduôn Y Nhanh mới biết dệt thổ cẩm cách đây 10 năm sau khi tham gia lớp học nghề được tổ chức tại địa phương.
Trước đây, do cuộc sống khó khăn, bà chỉ tập trung lo làm kinh tế nên nghề dệt truyền thống trong gia đình bị lãng quên. Khi đời sống đã khấm khá hơn, nghe tin có lớp truyền dạy dệt thổ cẩm được tổ chức tại địa phương, bà rất mừng và đăng ký tham gia học ngay. Giờ đây, sau khi xong việc nương rẫy, thời gian rảnh rỗi Aduôn Y Nhanh lại ngồi bên khung dệt để dệt ra những tấm áo, váy, khố, chăn đắp… Bà còn dạy lại nghề dệt cho con cháu với mong muốn thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của cha ông.
Cũng như Aduôn Y Nhanh, Amí H’Li Sa trước đây cũng không biết dệt thổ cẩm. Trong quá trình học tập tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên), chị đã được học thêm về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Êđê. Ban đầu khi mới học dệt, Amí H’Li Sa gặp khá nhiều khó khăn nhưng càng học chị càng say mê, lại được những nghệ nhân trong buôn chỉ dạy thêm nên chị đã thành thạo. Đến nay, từ những sản phẩm thổ cẩm đơn giản như túi vải, khăn, tấm địu em bé, đến những tấm chăn, khố, váy áo truyền thống Êđê… Amí H’Li Sa đều dệt được. Công việc tại Trường Mẫu giáo buôn Wing (xã Ea Kuếh) rất bận rộn song chị vẫn thu xếp thời gian dệt thổ cẩm để thỏa mãn niềm đam mê cũng là để duy trì một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Chị H’Yuil Niê, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Knia cho biết: Chi hội hiện có 150 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có khoảng 20 chị biết dệt thổ cẩm truyền thống. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm của chị em làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình, ở địa phương nên đầu ra không ổn định, không mang lại nguồn thu nhập khiến nhiều chị không còn mặn mà với nghề. Chi hội Phụ nữ buôn Knia đã tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em bảo tồn, duy trì, phát huy nghề dệt truyền thống và truyền dạy cho thế hệ mai sau. Chi hội còn vận động chị em nghiên cứu làm ra các sản phẩm, mẫu mã thổ cẩm mới đẹp, tạo sự phong phú và giá cả hợp lý nhằm thu hút người mua.
Vài năm gần đây khi mạng Internet ngày càng phổ biến, Chi hội đã vận động các chị em liên kết với nhau thu gom sản phẩm để tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm do chị em trong Chi hội làm ra đã được nhiều người biết đến, đặt mua, giúp các chị có thêm nguồn thu ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Điều đó càng khuyến khích, tạo động lực cho các chị gắn bó hơn với nghề truyền thống của dân tộc mình./.