Non nước Việt Nam

Nghề làm trống của người Dao đỏ Sa Pa được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 03/02/2020 09:49:06
Số lần đọc: 1028
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định về việc công bố thêm 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc 4 loại hình: Nghề thủ công truyền thống, Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian. Trong đó, nghề làm trống của người Dao đỏ Sa Pa cũng được vinh danh, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này.


Cách làm trống của người Dao đỏ đòi hỏi tỉ mỉ, công phu.

Nghề làm trống của người Dao đỏ ở Sa Pa được xem là nét văn hóa độc đáo. Trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao đỏ có vị trí quan trọng. Người Dao đỏ còn có cả sách dạy đánh trống, có thơ bình về trống.

Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao đỏ đều phải có bộ trống và khèn (gồm một trống và một khèn) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, cưới hỏi... Nghề làm trống là nét văn hóa lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dòng họ người Dao đỏ ở Sa Pa.

Cách làm trống của người Dao đỏ rất công phu, tỉ mẩn, bằng phương pháp thủ công. Mặt trống được chọn từ da bò, trâu, sơn dương, có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng được. Đặc biệt, các thanh gỗ dăm găm tròn xung quanh tang trống như những cánh hoa nhỏ chính là nét độc đáo của trống người Dao đỏ so với một số loại trống của một số dân tộc khác. Ngày nay, trống của người Dao đỏ ở Sa Pa không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT