Nét đẹp Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ (Mèo Vạc)
Mô hình LVHDLCĐ không phải là mới mẻ ở tỉnh ta, nhưng đối với dân tộc Mông ở Pả Vi Hạ có nhiều yếu tố thuận lợi như mặt bằng và đường giao thông, 100% người dân trong thôn là đồng bào người Mông. Ngoài ra điều thu hút du khách đó chính là nét văn hóa của người Mông ở đây vẫn được lưu giữ từ kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục đến văn hóa truyền thống dân gian của dân tộc…
Ngoài là làng văn hóa du lịch, bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc Mông, thì nơi đây còn là điểm đến của chính bà con người Mông ở nhiều địa phương khác để thưởng thức và hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Đồng thời, LVHDLCĐ dân tộc Mông nơi đây còn giúp người dân trong thôn có thêm công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, LVHDLCĐ dân tộc Mông có 28 hộ tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng nhà ở theo mẫu nhà dân tộc Mông với thiết kế kiến trúc nhà khung gỗ, trình tường, mái lợp ngói âm dương 2 tầng; các ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống người Mông liền kề nhau và hầu hết phát triển dịch vụ nhà nghỉ Homstay, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để LVHDLCĐ dân tộc Mông thực sự là điểm nhấn trong lòng du khách, huyện đã kiện toàn Ban quản lý LVHDLCĐ dân tộc Mông; chỉ đạo Ban quản lý đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt các quy chế của làng; cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian; ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú Homestay…/.