Non nước Việt Nam

Làng nghề gốm Vân Sơn (Bình Định): Vượt khó giữ nghề truyền thống

Cập nhật: 13/03/2020 08:22:43
Số lần đọc: 1872
Làng gốm Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn đang gặp nhiều khó khăn bởi số lượng cơ sở sản xuất ngày càng giảm, giá nguyên liệu đất sét cao, trong khi giá thành sản phẩm lại thấp, thêm vào đó là sự cạnh tranh của các sản phẩm làm bằng nhựa, nhôm. Tuy nhiên, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, người dân nơi đây vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, từng bước đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng mặt hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nghề làm gốm ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu đã có từ hàng trăm năm, với nhiều sản phẩm quen thuộc gắn liền với đời sống người dân như: chum, ấm, lò, nồi, chậu... Hiện có gần 20 cơ sở sản xuất với khoảng 143 lao động. Với đôi bàn tay khéo léo và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, các sản phẩm gốm đang được khách hàng khắp các tỉnh thành trong nước ưa chuộng như Gia Lai, Khánh Hòa, Huế, Đà Nẵng...

Để làm ra những sản phẩm gốm có chất lượng tốt, những người thợ phải mất nhiều công sức, qua nhiều khâu khác nhau như: Nhồi đất, nắn đất, tạo hình sản phẩm rồi đem nung ở nhiệt độ khoảng 7000C. Những người làm gốm lâu năm cho biết, đất sét phải được lấy dưới ruộng cách bề mặt khoảng 1m thì mới có độ dẻo và chất cao lanh chịu nhiệt tốt.

Tuy nhìn vào thấy việc tạo hình sản phẩm khá đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được, ngoài niềm đam mê thì phải có hoa tay và sự phối hợp ăn ý giữa những người thợ mới cho ra sản phẩm đẹp.

Khoảng 2 năm gần đây, một số cơ sở đã đầu tư máy móc nhằm giảm bớt sức lao động và rút ngắn thời gian sản xuất, nếu như trước kia 3 người làm 1 ngày mới có thể nhồi nhuyễn 1 khối (gần 1,5 tấn) đất sét thì nay chỉ còn khoảng 1 tiếng, nhờ đó giúp tăng số lượng sản phẩm làm ra, đáp ứng nhu cầu của thị trường với chất lượng tốt hơn.

Hiện nay các sản phẩm được tiêu thụ nhiều là lu, lò, chậu kiểng... với mức giá từ 3.000 - 40.000đ mỗi sản phẩm tùy loại.

Công việc làm gốm nặng nhọc nhưng thu nhập lại không cao. Để làng gốm Vân Sơn không bị mai một theo thời gian thì cần có sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề, định hướng sản phẩm mới để nghề làm gốm Vân Sơn tiếp tục duy trì và phát triển, đồng thời giữ được nét riêng, nét độc đáo của sản phẩm địa phương.

PHAN TUẤN (thực hiện)

 

Nguồn: baobinhdinh.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT