Nụ cười Thủ đô giữ chân du khách (Hà Nội)
Nét thanh bình của Hà Nội đang kéo du khách trở lại.
“Hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi”
Đã có thời điểm, khi nghĩ đến những món ăn đường phố tại Hà Nội, nhiều người không khỏi bất bình nhớ lại cảnh có những chủ cửa hàng ngang nhiên chửi mắng khách hàng, sẵn sàng không đón tiếp “thượng đế”... Điều đó phần nào khiến cho hình ảnh người Hà Nội từng trở nên xấu đi trong mắt khách du lịch.
Thúc đẩy phát triển du lịch đồng nghĩa với việc cần phải đề cao cách ứng xử văn minh, thân thiện. Để du khách có ấn tượng tốt và sẵn sàng quay trở lại thì những nụ cười niềm nở, sự cởi mở của người dân nơi đây là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2022, tổng số lượt du khách đến thăm Hà Nội là 18,7 triệu lượt, tăng gấp bốn lần so năm 2021 và tăng gần 70% so năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách quốc tế là 1,5 triệu lượt. Đây là một tín hiệu đáng mừng! Và để phát triển du lịch một cách bền vững, ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa của Hà Nội, thời gian qua, nhiều con phố đã có sự thay đổi diện mạo một cách mới mẻ, phù hợp thị hiếu của du khách trong và ngoài nước.
Dạo một vòng phố cổ, chúng tôi dừng lại trên con phố Hàng Mã, “thủ phủ” của những món đồ chơi cổ truyền. Chị Oanh Loan, chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa cùng tên tại đây cho hay: Những thứ mới nhất trên thị trường và được nhiều khách ưa chuộng, tôi sẽ bày biện lên trên cùng. Ngoài ra khách có nhu cầu mua thêm gì thì cứ nói, tôi sẽ lấy cho khách xem. Cửa hàng chúng tôi cam kết sẽ luôn luôn có những món đồ mới và thịnh hành nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Điều này cho thấy sự cập nhật đa dạng về mẫu mã, hàng hóa được bày biện và trang hoàng một cách bắt mắt. Dạo chơi nơi đây vào ban đêm, khi phố Hàng Mã rực rỡ và lung linh hơn, nhiều du khách bị ánh điện từ những món đồ chơi thu hút. Đặc biệt, một số cửa hàng sẵn sàng bỏ ra kinh phí để đào tạo về thái độ phục vụ của nhân viên, bảo đảm “hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Cùng với đó, trên phố đi bộ hồ Gươm - nơi thu hút đông đảo khách du lịch vào cuối tuần, có thể thấy rõ sự thay đổi trong cách phục vụ khách hàng của các hàng ăn, quán nước. Chị Thủy, chủ quán nước sinh tố “Xin chào - Tropical fruits” trên phố Hàng Bạc cho biết: “Ngoài việc tập trung vào chất lượng đồ uống, mình đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo nhân viên. 100% các bạn nhân viên đều biết tiếng Anh và luôn phải niềm nở với khách hàng. Mình cho rằng ai cũng thích được chào đón, đặc biệt là các vị khách du lịch”.
Joey Gorter, chàng thanh niên 25 tuổi đến từ Thụy Điển thì chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi đến thăm Việt Nam, ngoài ấn tượng với cảnh đẹp thì con người chính là điểm nhấn. Mặc dù xe cộ đông đúc nhưng ở Việt Nam rất an toàn, người dân nơi đây luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi cần. Tôi sẽ trở lại thăm Việt Nam vào một ngày gần nhất”.
“Như ở nhà mình vậy”
Dừng chân ở Tạ Hiện - con phố nhộn nhịp nhất nhì khu phố cổ, nơi được mệnh danh là “phố Tây” hay còn gọi là “phố không ngủ”. Những chiếc đèn lồng, đèn đa sắc trở nên cuốn hút trong không gian nhộn nhịp tiếng nhạc, tiếng cười của du khách. John, du khách đến từ Hà Lan tâm sự: “Tôi thật sự rất thích những con phố cổ ở Hà Nội, cảm giác mọi người ăn uống cùng nhau rất vui vẻ và thoải mái. Đây là điều mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ đất nước nào. Và tôi nghĩ đây cũng sẽ là một trong những lý do khiến tôi quay trở lại Việt Nam lần nữa”.
Thực tế cho thấy, các di tích lịch sử cũng đang dần chuyển mình, từ cách trang trí đến cách thức truyền thông để phù hợp nhu cầu của khách du lịch. Cùng với đó là thái độ chân tình, cởi mở, tác phong nhanh nhẹn, văn minh của đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên. Với di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, một điểm sáng về lựa chọn của giới trẻ và khách du lịch, gia đình ông Léontine (Pháp) nhận xét: “Tôi ấn tượng ngay cả với cách họ chuyển hóa đau thương thành những câu chuyện truyền động lực cho chúng tôi. Dù trong đau khổ họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời”. Và ông nhấn mạnh: “Không chỉ trong chiến tranh, bây giờ nét thân thiện của con người Việt Nam thể hiện ở sự hiếu khách, luôn niềm nở, đem lại cho chúng tôi cảm giác như đang ở chính ngôi nhà của mình vậy”.
Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã phát động chiến dịch “Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hà Nội 2023” với chủ đề “Hà Nội - Đến để yêu” nhằm lan tỏa hình ảnh thanh lịch, lối ứng xử văn hóa của người Hà thành xưa. Đồng thời thu hút nhiều hơn khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều bạn trẻ cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy và phát triển du lịch thông qua các trang mạng xã hội với những nội dung tích cực, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến gần hơn với mọi người.
Năm 2021, Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng 10 quốc gia có người dân thân thiện nhất thế giới, theo Espresso Communication. Cũng năm này, giải thưởng Du lịch thế giới công nhận Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á. |
Bài và ảnh: Thanh Huyền, Thảo Ly