Phát huy văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch
Du khách tham quan và tìm hiểu ẩm thực Chăm tại nhà chị Rofiah, Làng Chăm Châu Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu).
Văn hóa bản địa là chất liệu chính
Hơn một tháng nay, làng bè Châu Ðốc được du khách yêu thích bởi diện mạo mới. Hơn 160 nhà bè nuôi cá trải dài hơn 1km được phủ lên những sắc màu nổi bật như đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím... làm rực sáng một khúc sông, tựa như cầu vồng. Ðược biết đây là dự án do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư tỉnh An Giang thực hiện, nhằm tạo điểm nhấn mới cho sản phẩm du lịch địa phương. Làng bè Châu Ðốc vốn được hình thành từ những năm 1960, với nhiều nhà bè trên sông nuôi cá và cũng là một điểm đến trên cung đường khám phá văn hóa sông nước của An Giang. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ một nhà bè tại làng bè Châu Ðốc, cho biết: “Tôi kết hợp làm du lịch cũng hơn chục năm nay. Du khách đến đây tham quan các loại cá nuôi trên bè và tôi giới thiệu về quy trình nuôi cá trên sông, đời sống trên sông nước. Tuy nhiên lượng khách mấy năm nay ít, thu nhập từ du lịch cũng không mang lại nhiều. Vì thế khi địa phương khuyến khích bà con phủ màu các bè thì tôi cũng tham gia, hy vọng sẽ quảng bá làng bè để du khách biết đến nhiều hơn và làng bè Châu Ðốc sẽ phát triển hơn về du lịch”.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư tỉnh An Giang, cho biết: “Sau khi sắc màu hóa làng bè, lượng khách đến tham quan tăng hơn trước kia. Các chủ nhà bè cũng kết hợp làm thêm các dịch vụ du lịch để du khách tăng thêm trải nghiệm về văn hóa sông nước tại đây”. Sắc màu hóa làng bè hiện đang ở giai đoạn 1 của dự án, sắp tới dự án sẽ xã hội hóa gắn đèn led theo màu sắc từng bè nhằm thu hút khách du lịch đến trải nghiệm về đêm, từng bước phát triển kinh tế đêm ở khu vực này.
Cách làng bè Châu Ðốc không xa là Làng Chăm Châu Phong (thị xã Tân Châu, An Giang). Cung đường khám phá làng bè Châu Ðốc và Làng Chăm Châu Phong là tuyến quen thuộc thường được các đơn vị lữ hành khai thác. Ðoạn đường di chuyển chỉ mất vài chục phút và du khách có thể kết hợp tìm hiểu văn hóa sông nước, văn hóa cộng đồng người Chăm ở An Giang. Tại làng Chăm, du khách có thể xem dệt thổ cẩm, chiêm ngưỡng các Thánh đường Hồi giáo, thưởng thức những món bánh dân gian, mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Ông Mohamad, chủ cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống Làng Chăm Châu Phong (ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) cho biết: “Ở mỗi vùng miền, thổ cẩm có những nét riêng. Tại đây chúng tôi làm sản phẩm thủ công. Chúng tôi giới thiệu với du khách các công đoạn làm sản phẩm thổ cẩm của người Chăm. Gia đình tôi theo nghề dệt thổ cẩm cũng mấy đời rồi, nhưng khi làm du lịch thì người ta mới biết đến chừng hơn 8 năm nay. Qua làm du lịch, tôi cũng có thể giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của người Chăm, đặc biệt là những sản phẩm truyền thống”. Theo ông Mohamad, ngoài 2 sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất các mặt hàng mới, như túi xách, ba lô, nón, móc khóa… Còn chị Rofiah (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) nói: “Người Chăm có nhiều loại bánh truyền thống, nên khi làm du lịch tôi muốn giới thiệu đến du khách ẩm thực độc đáo của người Chăm, như bánh Ha cô-am, Namparang”.
Tại TP Cần Thơ, cồn Sơn (quận Bình Thủy) là điểm du lịch tiêu biểu trong khai thác giá trị văn hóa bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời thường xuyên giới thiệu các sản phẩm mới, vì văn hóa là “nguồn vốn” có thể khai thác ở nhiều khía cạnh. Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp cồn Sơn, cho biết: “Tại đây, chúng tôi làm du lịch theo mô hình cộng đồng, dựa trên thực tế đời sống lao động sản xuất, tay nghề, sáng tạo và tài khéo của từng nhà tham gia. Như tôi nuôi cá thì làm mô hình tham quan bè cá, giới thiệu cho du khách đặc tính các loài cá trên sông Hậu và sông Mekong. Còn nhà chị Bảy Muôn có tay nghề làm bánh thì làm bánh dân gian… Mỗi nhà một sản phẩm từ đó mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm về văn hoá miệt vườn sông nước”. Vì vậy, du khách đến cồn Sơn có trải nghiệm đa dạng từ tham quan bè cá, xem cá lóc bay, xiếc ếch... đến thăm vườn hái trái cây mùa nào thức đó; rồi làm bánh dân gian, cốm nổ… Du lịch cồn Sơn cũng thường xuyên có những chương trình mới theo các mùa du lịch cao điểm để thu hút du khách.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư tỉnh An Giang, cho biết: “Bình quân mỗi năm An Giang đón từ 6-9 triệu du khách, tuy nhiên chỉ số lưu trú và chi tiêu cho du lịch khá thấp. Ðây là điểm thường thấy trong du lịch ở các tỉnh, thành ÐBSCL. Nguyên nhân được xác định từ nhiều vấn đề, như sản phẩm du lịch giống nhau, hạ tầng cơ sở còn hạn chế… Do đó, chúng tôi đang có những định hướng, quy hoạch, cụ thể về sản phẩm du lịch. Trong quy hoạch từ năm 2025 đến năm 2030, An Giang định hướng Châu Ðốc là thành phố lễ hội từ đó tạo nên những sản phẩm mới, đặc trưng riêng cho khu vực này”. Chia sẻ về ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch cho vùng ÐBSCL, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch và CEO Tập đoàn Thiên Minh, cho biết: “Chúng tôi là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư tại ÐBSCL, đặc biệt là tại An Giang và Cần Thơ. ÐBSCL là điểm đến đa dạng về văn hóa, con người và những câu chuyện lịch sử trăm năm. Từ đó người làm du lịch phải biết kể câu chuyện đến du khách để nâng cao giá trị điểm đến. Xây dựng sản phẩm du lịch nên dựa trên văn hóa của địa phương”.
Du khách trải nghiệm tại bè cá Bảy Bon, cồn Sơn.
Thực tế, trong nhiều năm qua, các tỉnh, thành ÐBSCL không ngừng tìm và nghiên cứu để xây dựng sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp. Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư tỉnh An Giang, cho biết: “Trong 3 năm trở lại đây, du lịch ÐBSCL thực sự khởi sắc, nhất là từ khi có liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL. Các địa phương đã có những định hướng xây dựng các sản phẩm cụ thể, bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác phát triển”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nói: “Du lịch Cần Thơ có định hướng sản phẩm chiến lược và kêu gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi có những quy hoạch, đề án về phát triển du lịch đường sông, nghỉ dưỡng cao cấp… từng bước nâng chất giá trị sản phẩm để gia tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh liên kết phát triển cùng nhau. Như Cần Thơ và An Giang có liên kết hợp tác phát triển về du lịch từ rất lâu trên nhiều khía cạnh”. Cụ thể, Cần Thơ và An Giang có liên kết trong tam giác liên kết du lịch bền vững từ năm 2014 giữa Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang, hay tam giác liên kết phát triển du lịch giữa An Giang - Cần Thơ - Bạc Liêu (2019). Ngoài ra, 2 tỉnh, thành còn nằm trong cụm liên kết hợp tác du lịch phía Tây của ÐBSCL. Các liên kết này đều chú trọng việc phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá và đầu tư phát triển du lịch; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…
Sản phẩm du lịch là yếu tố có tính quyết định trong phát triển du lịch ở mỗi địa phương. Do đó, việc xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào văn hóa bản địa sẽ tạo được tính cộng đồng và bền vững, đồng thời làm nên nét khác biệt để thu hút du khách.
Bài, ảnh: Ái Lam