Tin tức - Sự kiện

Phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch từ gốm Bồ Bát (Ninh Bình)

Cập nhật: 22/09/2020 07:35:04
Số lần đọc: 820
Hiện nay, Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát chủ yếu sản xuất các sản phẩm chính là bát, đĩa, ấm chén, bình phong thủy, lọ hoa... Sản phẩm Công ty gốm Bồ Bát được thị trường đánh giá là có độ men dày, độ bền cao, màu sắc tinh tế. Chủ nhân của những sản phẩm này cho biết họ có bí quyết riêng tạo nên độ mịn, màu, men đến các họa tiết cũng mang phong cách khác biệt với các dòng gốm khác trong nước

Hiện nay, Công ty có gần 25 thợ lành nghề. Đội ngũ thợ có tay nghề cao tập trung nghiên cứu các mẫu mã sản phẩm và sáng tạo những hình ảnh trên sản phẩm. Người đầu tiên "thổi hồn quê hương" vào các sản phẩm gốm Bồ Bát chính là nghệ nhân Hoàng Thị Huyền Trang, người đã đồng hành cùng với chồng là nghệ nhân Phạm Văn Vang để khôi phục làng nghề gốm Bồ Bát. 

Chị Trang xuất thân là học mỹ thuật chính vì thế khi cùng chồng tạo dựng lên "cơ nghiệp" chị luôn nung nấu phải làm sao để gốm Bồ Bát không thể lẫn với các dòng gốm khác. Ngoài bí quyết tổ truyền để hình thành sản phẩm thì chị Trang có đam mê là nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ cách điệu, hình ảnh nghệ thuật trên gốm. Các sản phẩm bình trà, bình phong thủy, vật dụng trang trí, đồ lưu niệm... đều gắn với hình ảnh các điểm du lịch nổi bật của Ninh Bình như Bến thuyền Khu du lịch sinh thái Tràng An, Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động... 

Các sản phẩm trên đã được lựa chọn và sản xuất hàng loạt hoặc theo đơn hàng, trở thành món quà của mỗi du khách khi về Ninh Bình. Chỉ riêng sản xuất phục vụ làm quà tặng 6 tháng đầu năm nay doanh thu của Công ty đã đạt gần 3 tỷ đồng.

Anh Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và phát triển Gốm Bồ Bát tiếp chúng tôi với nụ cười thoải mái, hồn hậu khác hẳn với dáng vẻ lo toan mấy năm về trước khi tôi gặp anh. Anh Vang chia sẻ: Mong ước của tôi bao năm qua là thắp lại ngọn lửa của làng nghề gốm Bồ Bát đang dần trở thành hiện thực. Cùng với đó, nhờ sự quan tâm của chính quyền, Công ty còn được giao 6000 m2 mặt bằng mới tạo điều kiện để chuyển xưởng đến nơi rộng rãi hơn, thuận lợi cho việc sản xuất và giới thiệu sản phẩm. 

Hơn 6.000 m2 đối với 1 xưởng sản xuất là không lớn nhưng được anh Vang phân bổ hợp lý theo quy trình từ xử lý vật liệu, tạo hình, vẽ... cho đến trưng bày sản phẩm. Theo anh sự sắp xếp này không chỉ tạo thuận lợi cho vận hành của công nhân mà sẽ phục vụ cho du khách tham quan dễ hình dung hơn. Đặc biệt tại khu trưng bày anh Vang đã dành một diện tích phù hợp để phục vụ cho các cháu học sinh đến trải nghiệm tìm hiểu về làng nghề.

 Năm 2019, đã có hàng chục các trường THCS, Tiểu học và mầm non trong tỉnh đến tham quan tìm hiểu về nghề gốm. Thông qua bài thuyết trình của nghệ nhân Hoàng Thị Huyền Trang và tự tay các cháu được tạo hình, tô màu cho các sản phẩm mình làm những "chủ nhân tương lai của đất nước" không chỉ yêu thích những nghề thủ công truyền thông của quê hương mà còn hun đúc thêm tình yêu đất nước. 

Anh Phạm Văn Vang cho biết: Sản phẩm của Công ty hiện nay rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước, sản xuất chỉ đủ để tiêu thụ theo đơn đặt hàng chứ chưa đủ công suất để bán ra thị trường rộng rãi. Tuy nhiên, hướng đi của Công ty trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở hàng hoạt các trung tâm giới thiệu sản phẩm tại điểm du lịch của tỉnh cũng như các địa phương có du lịch phát triển. Anh Vang hy vọng với những bước phát triển vững chắc của Công ty, gốm Bồ Bát sẽ trở thành một thương hiệu gốm uy tín được người tiêu dùng trong nước đón nhận và vươn ra thị trường thế giới./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT