Du lịch tâm linh - thế mạnh của Bắc Giang
Tiềm năng phong phú
Trong những năm gần đây trên báo, đài địa phương, tôi được đọc, được nghe nói về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh. Chủ trương, biện pháp, hướng đi đã được chỉ ra rất phong phú. Tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), hướng mọi người đến với du lịch tâm linh.
Đọc lại lịch sử văn hóa từ xa xưa mới thấy Bắc Giang đúng là vùng “địa linh nhân kiệt”, một làng có tới 6 vị đỗ đại khoa thời kỳ phong kiến. Câu nói của trạng nguyên Thân Nhân Trung được lưu khắc tại Quốc Tử Giám vẫn còn giá trị đến ngày nay và muôn đời sau:
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Nguyên khí thịnh đất nước mạnh
Nguyên khí suy đất nước yếu
Làng tiến sĩ trạng nguyên ấy nếu quan tâm khai thác sẽ là một điểm, một sản phẩm du lịch có giá trị đối với du khách trong và ngoài nước. Bắc Giang không chỉ có thiên nhiên, sông nước phong phú, hữu tình mà gắn với đó còn có nhiều di tích phật giáo có từ hàng nghìn năm như chùa Bổ Đà - nơi đào tạo tăng ni, phật tử. Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) có thể nói là nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm thuần việt. Chùa Khu (Yên Dũng), chùa Bồ Đà (Nam Dương, Lục Ngạn), đền Từ Hả (xã Hồng Giang, Lục Ngạn), di tích Khởi nghĩa Yên Thế và nhiều di tích lịch sử cách mạng có giá trị giáo dục ở khắp các địa bàn trong tỉnh….
Tiềm năng di tích tâm linh, văn hóa, lịch sử của tỉnh ta không thiếu nhưng làm thế nào để khai thác đúng định hướng, hiệu quả, chúng ta cần quan tâm, nghiên cứu, đầu tư.
Cần một tầm nhìn cụ thể, lâu dài
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng tỉnh đã thu hút đầu tư mở đường, xây dựng hạ tầng Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tương đối khang trang là điều rất quý. Nhưng để khai thác khu du lịch có hiệu quả, đồng bộ cần có chính sách thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng thị trấn Tây Yên Tử với đủ điều kiện ăn ở, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Người đến tham quan Tây Yên Tử hiện nay chỉ biết đi cáp treo lên chùa Đồng là mục đích chính. Nhưng tại sao có đường Tây Yên Tử, có chùa Đồng linh thiêng, có nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu truyền Phật pháp ? Muốn thu hút du khách tại sao chúng ta không cho họ hiểu biết về lịch sử nguồn gốc ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Đã có nhiều người đến chùa Vĩnh Nghiêm, được xem kho mộc bản quý nhưng dường như chỉ để cúng bái, cầu xin, còn xem mộc bản chỉ biết miếng gỗ có khắc chữ nho.
Tại sao chúng ta không dịch ra chữ Quốc ngữ những điều hay và giá trị của đạo Phật Việt Nam thể hiện trên Mộc bản, những sáng tạo của Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm xây dựng nên nền Phật giáo thuần việt. Làm được như vậy sẽ thu hút nhiều đối tượng tìm hiểu, những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm mới được phát lộ, góp phần nâng cao niềm tự hào dân tộc.
Ai đi đến chùa Vĩnh Nghiêm đều biết chùa nhìn ra sông Lục Nam, sông cách chùa không xa, phải chăng ngày xưa đường sá khó khăn nên Trần Nhân Tông và hai vị pháp hoa, Lý Đạo Trí đã đi thuyền từ Thăng Long qua Lục Đầu Giang đến ngã ba Nhãn vào sông Lục Nam thấy cảnh chùa trên gò đẹp, yên tĩnh, thuận tiện cho giao thông thủy nên đã ở đây nghiên cứu soạn thảo ra kinh phật Thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ truyền lại cho Phật giáo Việt Nam. Từ đây, theo sông Lục Nam, Trần Nhân Tông cùng các vị cao tăng ngược sông lên đi theo sườn tây vòng cung Đông Triều lên Tây Yên Tử.
Vậy ta cứ tạm ước lệ như vậy để xây dựng một tuyến đường thủy hành hương lên Tây Yên Tử từ chùa Vĩnh Nghiêm nghe, đọc giới thiệu mộc bản quý, du khách ra thuyền buồm, chèo tay lên đến Lục Nam có xe đón lên Tây Yên Tử. Chúng ta có thêm sản phẩm du lịch làm phong phú cho du khách hành hương lên cõi phật Yên Tử. Dân ta đã có câu “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm. Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa thành”.
Chính phủ đã có ý kiến cho ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh phối hợp xây dựng tư liệu đề trình UNESCO công nhận cả quần thể di tích gắn với Yên Tử là di tích văn hóa thế giới. Đây là thuận lợi để tỉnh ta nghiên cứu sâu, khai thác triệt để giá trị vô giá của Thiền phái Trúc Lâm. Xung quanh di tích lịch sử tâm linh Tây Yên Tử hay các di tích trên địa bàn tỉnh còn có nhiều huyền thoại trong sách và trong dân gian cần khai thác sưu tầm làm phong phú cho sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến thưởng ngoạn.
Để du lịch tỉnh ta khai thác, phát huy hết giá trị của các di tích lịch sử gắn với tâm linh, có chủ trương, biện pháp thôi chưa đủ. Chúng ta cần con người am hiểu sâu về văn hóa tâm linh, có tâm, có tầm nhìn sâu rộng, sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách thập phương. Làm du lịch bước đầu rất tốn kém cho nên thu hút nguồn nhân lực toàn xã hội tham gia mới thành.
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, nhất là khi đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhà nước quản lý, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch mới có hiệu quả, vừa thu hút được nguồn lực xã hội, vừa phát huy được năng lực sáng tạo trong kinh doanh của những người có kinh nghiệm, có năng khiếu làm du lịch tham gia.
Chúng ta mong du lịch Bắc Giang khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử gắn với tâm linh, mang lại nguồn thu nhập cho Nhà nước và nhân dân. Đồng thời góp phần nâng cao lòng tự hào của nhân dân đối với lịch sử văn hóa tâm linh của dân tộc./.