Tin tức - Sự kiện

60 năm Du lịch Việt Nam: Đổi mới tư duy, nhận thức, xác định đúng vị trí là nền tảng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 23/09/2020 16:31:47
Số lần đọc: 692
(TITC) – Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, du lịch Việt Nam đã từng bước khẳng định là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Để có được kết quả như ngày hôm nay, ngành Du lịch đã phải trải qua rất nhiều nỗ lực phấn đấu, đặc biệt việc đổi mới tư duy, nhận thức và định hướng chiến lược là nền tảng cho sự phát triển của ngành.

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch

Đánh giá về vai trò của du lịch cũng như quá trình chuyển đổi tư duy nhận thức phát triển du lịch, Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch cho rằngTrước đây du lịch chỉ là một ngành phục vụ các chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao đến thăm nước ta chứ chưa có hoạt động du lịch thực sự. Nhưng cùng với sự nghiệp đổi mới, chúng ta đã đặt du lịch lên đúng vị trí của nó là một ngành kinh tế, thậm chí đặt hẳn nhiệm vụ biến du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”.

 

Video clip Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ định hướng phát triển ngành du lịch

(Trích video clip Kỷ niệm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam. Nguồn: VTV)

Trong những năm tháng chiến tranh, sự ra đời của ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960) là một dấu son lịch sử, thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Ngay từ lúc này, du lịch đã được xác định với vai trò là một ngành kinh tế mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tư duy đột phá còn thể hiện ở cơ chế Công ty Du lịch Việt Nam có thể thành lập các đại diện của Công ty ở nước ngoài, các chi nhánh du lịch ở địa phương, các khách sạn và các phương tiện vận chuyển đặc biệt trực thuộc sự quản lý của công ty.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh và bị tạm thời chia cắt, nhiệm vụ chính của ngành Du lịch lúc này chủ yếu là phục vụ các đoàn khách ngoại giao, chuyên gia các nước XHCN đến giúp Việt Nam phát triển kinh tế ở miền Bắc và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước... Do đó vai trò phát triển kinh tế và tạo nguồn thu cho đất nước chưa có điều kiện để phát huy.

Bước sang giai đoạn 1975-1990, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Du lịch cùng cả nước bước vào công cuộc khôi phục kinh tế. Thời kỳ này, đất nước còn rất nhiều khó khăn trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp. Hoạt động của các doanh nghiệp du lịch còn rất hạn chế.

Sau năm 1986, Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VI ra đời, đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng và điều hành kinh tế vĩ mô. Mô hình kinh tế được chuyển sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế từng bước được mở cửa, ngành Du lịch có điều kiện mở mang hoạt động, đặt nền móng cho sự phát triển cao trong giai đoạn tiếp theo.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Du lịch Việt Nam chuyển mình với những bước đột phá quan trọng cả về chủ trương, chính sách và đạt được những kết quả rất ấn tượng nhờ vào những cơ chế, chính sách được Đảng, Nhà nước ban hành tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho du lịch phát triển.

Cụ thể, Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII ban hành vào tháng 10/1994 đã khẳng định “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nuớc”.

Đặc biệt, ngày 11/11/1998, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 179-TB/TW về phát triển du lịch trong tình hình mới, tạo bước ngoặt quan trọng cho ngành Du lịch phát triển lên tầm cao mới. Thông báo kết luận 179-TB/TW là tiền đề cho sự ra đời Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch (năm 1999), Pháp lệnh Du lịch (năm 1999) và sau này là Luật Du lịch và Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch (năm 2000).

Quan điểm và định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế quan trọng tiếp tục được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc, Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm tiếp theo tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Ảnh: VietSense Travel)

Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết nêu rõ quan điểm “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về phát triển du lịch, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta về định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự chuyển đổi về tư duy, nhận thức về phát triển du lịch cùng sự nỗ lực của toàn Ngành, đến nay du lịch đã từng bước khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Về khách quốc tế đã tăng 72 lần, từ 250 nghìn lượt của năm 1990 lên 18 triệu lượt của năm 2019. Về khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Về tổng thu từ khách du lịch, năm 1990 đạt 1.340 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP cũng tăng từ 3,26% năm 2000 lên 9,2% vào năm 2019.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước đã tăng 85 lần về số cơ sở và 39 lần về số buồng, tương ứng với 30.000 cơ sở lưu trú du lịch và 650.000 buồng của năm 2019. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế ngày càng lớn mạnh, năm 1990 chỉ có 4 doanh nghiệp thì đến năm 2019 cả nước đã có 2.667 doanh nghiệp.

Kết quả đó đã đưa du lịch Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất thế giới trong những năm gần đây, cùng với hàng loạt giải thưởng danh giá, uy tín mà cộng đồng quốc tế tôn vinh du lịch Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT