Non nước Việt Nam

Phát triển Công nghiệp văn hóa ở Hà Nội: Cơ hội từ làng nghề, phố nghề

Cập nhật: 10/09/2024 15:39:21
Số lần đọc: 628
Với hơn 1.300 làng nghề, Hà Nội hiện đang chiếm hơn 30% tổng số làng nghề trên cả nước. Hà Nội cũng là nơi có những phố nghề nổi tiếng, ở đó sản xuất, buôn bán các sản phẩm truyền thống, được làm thủ công, nhiều thứ hết sức tinh xảo…


Sản xuất gốm sứ tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN.

Phát triển công nghiệp văn hóa đến nay đã trở thành câu chuyện được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm. Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo - từ lâu đã chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định 6 lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là thủ công mỹ nghệ.

Tinh hoa nghề truyền thống

Góp phần làm nên những giá trị đặc biệt của những làng nghề truyền thống của Hà Nội, có sự đóng góp lặng lẽ và bền bỉ của đông đảo các nghệ nhân, thợ thủ công...

Theo thống kê chính thức, Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân đông nhất, chiếm 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, gồm: sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan... Họ là những người sinh ra ở làng, sống chết với làng, chăm chỉ, khéo tay, năng động.

Một số người, dấu ấn tài hoa của họ là không thể phủ nhận. Thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau, vì thế, người nối nghề, đồng thời có sự tiếp biến, sáng tạo để các sản phẩm nghề truyền thống ngày càng đa dạng, cập nhật với nhu cầu của người tiêu dùng và hướng tới phục vụ du khách.

Giới chuyên gia đều thừa nhận, đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công ở Hà Nội đa phần đều tài hoa, có năng khiếu, hậu duệ của nhiều dòng họ làm nghề lâu đời, vừa được trao truyền những kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp của các thế hệ đi trước, vừa rất năng động, sáng tạo. Nếu có dịp về “đất trăm nghề” Phú Xuyên, bất cứ ai cũng sẽ bất ngờ với các sản phẩm khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ, tò he Xuân La, đan cỏ tế Phú Túc, may complet Vân Từ...

Trong khi đó, huyện Thường Tín có 126 làng nghề, 16 nghìn cơ sở sản xuất. Những sản phẩm thêu Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền, lược sừng Thụy Ứng hay sơn mài Hạ Thái... đã biến nhiều ngôi làng bình dị ở Thường Tín trở thành điểm đến của du khách gần xa...

Ở vùng xứ Đoài, những làng nghề như Chàng Sơn, Thạch Xá, Hữu Bằng, Dị Nậu… cũng làm phong phú thêm cho làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Từ những thế mạnh đó, những năm qua, thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Theo thống kê, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất sản phẩm thủ công mỹ nghệ với doanh số chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu hằng năm. Kế đó là các thị trường khác như: Nhật Bản, Liên minh châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan), Australia, Hàn Quốc. Sản phẩm gốm sứ, đồ mộc được tiêu thụ với khối lượng ngày càng lớn ở Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Nhật, còn sản phẩm khảm trai, ốc, mây tre đan được tiêu thụ rộng khắp ở châu Âu...

Bên cạnh những làng nghề truyền thống, Hà Nội còn nổi tiếng với những phố nghề. Trong đó, với 47/76 con phố trong khu phố cổ thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày nay có tên bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Điều đặc biệt thú vị và hấp dẫn khách du lịch, đó là các phố nghề này nằm ngay ở trung tâm thành phố, trong lòng phố cổ sầm uất. Đến nay nhiều phố nghề của Hà Nội vẫn còn duy trì việc sản xuất, bán buôn các sản phẩm thủ công truyền thống.

Đến những phố nghề như Hàng Mã, Hàng Chiếu, Hàng Thiếc, Hàng Đồng…khách du lịch hay những nhà nghiên cứu văn hóa vẫn có thể tìm được những nghệ nhân tài hoa, những cửa hàng, cửa hiệu có truyền thống lâu đời chuyên sản xuất và buôn bán những sản phẩm đặc trưng của từng con phố... Phố Hàng Bạc có hơn 50 cửa hàng bán các đồ được chạm khắc từ bạc, phố Hàng Gai gặp rất nhiều cửa hàng bán đồ tơ lụa. Đến phố Lãn Ông thì cả con phố thơm hương các loại thuốc Đông y, có thể tìm mua bất cứ vị thuốc dân gian nào… Và những bức tranh dân gian Hàng Trống vẫn có những giá trị văn hóa đặc sắc khiến nhiều du khách muốn tìm hiểu, sở hữu…

Phố nghề Hà Nội không đơn thuần là nơi duy trì, phát triển các nghề truyền thống và các sản phẩm thủ công truyền thống; đây còn là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa - lịch sử cốt lõi như không gian văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và các công trình tín ngưỡng... có thể liên kết tạo thành những tuyến điểm kết nối du lịch làng nghề. Hàng trăm lễ hội dân gian trong các phố nghề của Hà Nội cũng là thế mạnh, tạo ra những sức hút du khách khi phát triển công nghiệp văn hóa…

Việc phát triển các làng nghề, phố nghề của Hà Nội không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Thông qua bản sắc, thương hiệu đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội trên trường quốc tế...

Khơi thông, phát triển

Sở hữu nhiều làng nghề, phố nghề và trong từng làng nghề, phố nghề lại có đội ngũ những nghệ nhân, người thợ tài hoa, giàu tâm huyết nhưng lâu nay, những giá trị của các làng nghề, phố nghề Hà Nội còn chưa được khai thác hết tiềm năng. Nói cách khác, việc khai thác là chưa xứng tầm. Một thời gian dài, chúng ta đã để cho các làng nghề “tự bơi”, mạnh ai lấy làm, thiếu một “nhạc trưởng” để các làng nghề vừa phát huy thế mạnh riêng có, vừa có thể đứng chung để làm phong phú hơn, đáp ứng những tiêu chí, mong muốn chung.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho rằng nếu như làng nghề không bám vào văn hóa và không nắm được du lịch thì làng nghề sẽ không hợp với sự hội nhập hiện nay. Nơi nào làng nghề phát triển tốt, nơi đó an ninh trật tự tốt, ít có sai phạm và tạo được việc làm cho thanh niên.

Trong khi đó, GS.TS Từ Thị Loan - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhìn nhận thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội được đánh giá là ngành đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của thành phố, có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này hiện đang mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng thủ công để Thủ đô tập trung phát triển trong những năm tới. Thậm chí, thủ công mỹ nghệ còn được kỳ vọng là ngành “tạo cảm hứng”, tạo động lực, có tính tiên phong dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa khác.

Du khách nước ngoài tìm mua quà tặng khi đến du lịch tại Hà Nội. Ảnh: Lê Minh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thừa nhận, mỗi làng nghề trên địa bàn Thủ đô lại mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo, in đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Sản phẩm từ những đôi bàn tay tài khéo của nghệ nhân vùng đất này đã được xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Phấn đấu tới năm 2025, Hà Nội sẽ hình thành trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP quốc gia gắn với du lịch văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa. Việc tích hợp thêm nhiều giá trị cho làng nghề như phát triển du lịch, trải nghiệm cho du khách là hết sức quan trọng” - ông Thanh nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, làng nghề, phố nghề vừa là nơi lưu giữ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, vừa là những cơ sở kinh tế hết sức quan trọng. Vì thế, phát triển công nghiệp văn hóa từ các làng nghề truyền thống của Hà Nội cần được tiếp tục đẩy mạnh, tạo thêm những sức mạnh để định hình, phát triển công nghiệp văn hóa cho Thủ đô.

Thái Nguyên

Nguồn: Báo Đại đoàn kết - daidoanket.vn - Đăng ngày 09/09/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT