Ninh Thuận: Bảo tồn, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
Đồng bào Chăm ở làng Mỹ Nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Phương Liên
Làng dệt Mỹ Nghiệp được hình thành từ thế kỷ VI, gắn liền với lịch sử phát triển của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận. Trải qua các thế hệ nối tiếp nhau, người phụ nữ Chăm đã sở hữu những bí quyết để làm ra sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công là vải tấm và vải dây. Từ những tấm vải đó, đôi bàn tay tài hoa của các mẹ, các chị tiếp tục gia công thành các sản phẩm phục vụ yêu cầu khách hàng như: Khăn, chăn, túi xách, quần, áo, ba lô, cà vạt, ví... Thổ cẩm Chăm ở Mỹ Nghiệp được nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên nên rất đẹp và bền.
Hiện nay, Mỹ Nghiệp là một trong 3 làng nghề nổi tiếng nhất ở Ninh Thuận. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi ngành nghề, mọi nơi nhưng người Chăm nơi đây vẫn không chuyển sang dệt công nghiệp mà vẫn kiên trì với khung dệt truyền thống từ xa xưa truyền lại. Có lẽ đó chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao các sản phẩm dệt thủ công làng Mỹ Nghiệp lại được du khách và các nhà thời trang trong nước yêu thích, lựa chọn.
Đối với người Chăm, giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh không thể mất đi khi mọi người vẫn sử dụng trang phục truyền thống trong cuộc sống thường ngày và nhất là trong các ngày lễ trọng đại, Tết, lễ hội. Gặp ông Huỳnh Cạn trong bộ trang phục của dân tộc mình vào một ngày bình thường, ông chia sẻ với chúng tôi rằng, người Chăm ở quê ông đã mất đi nghề dệt truyền thống nên nhất định phải lặn lội từ thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận tới làng Mỹ Nghiệp để mua bộ trang phục truyền thống, bởi trang phục là văn hóa, hồn cốt của dân tộc.
Hiện nay, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm dệt bằng máy, vừa nhanh hơn, vừa có giá thành rẻ hơn. Bà Ngụy Thị Mỹ Trang, làm nghề dệt ở Mỹ Nghiệp trăn trở tính toán, một tấm vải dài khoảng 1m, hoa văn đơn giản, thợ dệt thủ công cần 3 ngày mà giá thành cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng. Nếu là hoa văn phức tạp, hoa văn cổ xưa thì thời gian hoàn thành còn lâu hơn nữa, không thể tính theo ngày mà phải theo tuần, theo tháng.
Anh Phú Minh Tuân, thợ may chuyên nghiệp trong làng cho biết, thu nhập của người làm nghề truyền thống rất thấp. Nếu là thợ may giỏi thì được chừng 5,5 triệu đồng/người/tháng; nếu là thợ dệt thì chỉ chừng 2 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân chỉ chừng 60-70.000 nghìn đồng/ngày trong khi công sức bỏ ra quá nhiều nên chẳng có gì ngạc nhiên khi thế hệ trẻ chẳng muốn gắn bó với nghề dệt nữa. Chỉ có những người phụ nữ lớn tuổi, không còn điều kiện vượt qua cổng làng để tìm những cơ hội làm việc mới ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp thì đành gắn bó với khung dệt. Cả làng giờ chỉ còn chừng 10 hộ theo nghề truyền thống, giảm rất nhiều so với trước đây.
Dẫu vậy, ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp luôn đau đáu ước mong làm sao để những tấm vải được dệt bằng tay của người Chăm nơi đây có điều kiện vươn xa đến các thị trường rộng lớn hơn; đến được với những người yêu mến và hiểu rõ giá trị của những sản phẩm handmade. Từ đó, nâng cao thu nhập cho người thợ để họ yên tâm bám trụ với nghề truyền thống. Hướng đi này rất cần được quan tâm vì Mỹ Nghiệp luôn là một địa chỉ được du khách tìm đến mỗi khi dừng chân du lịch ở Ninh Thuận. Số lượng lớn người khách hàng ở một số nước châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ... đang hướng đến những sản phẩm mang bản sắc văn hóa truyền thống, tính nghệ thuật cổ truyền dân gian. Không ít du khách sẵn sàng chi thêm tiền để sở hữu một tấm vải được dệt bằng tay.
Để hỗ trợ làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp phát triển, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư đường vào làng, cổng làng, nhà trưng bày, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm... Thực tế cho thấy, dù đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề vẫn ưu việt hơn so với sản xuất thuần nông ở các khía cạnh như: Khả năng giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập ổn định, cải thiện mức sống cho người lao động. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đang tích cực thực hiện phong trào “mỗi làng một nghề” nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương và sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra bước chuyển biến cơ bản về ngành nghề ở khu vực nông thôn, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, khôi phục, bảo tồn làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp khỏi nguy cơ bị thất truyền; đến năm 2030, tập trung nguồn lực cho một số làng nghề truyền thống đã có thương hiệu, trong đó có dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Để góp phần thực hiện mục tiêu này, người Chăm ở làng Mỹ Nghiệp cần tập trung bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp lớn đế cải tiến mẫu mã, cung cấp vốn và thông tin thị trường. Duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Cùng với đó, sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các thợ giỏi, nghệ nhân tiêu biểu...
Phương Liên