Hưng Yên: Khám phá làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống
Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em vui chơi, mà còn là thời điểm để người lớn hồi tưởng về tuổi thơ. Những món đồ chơi truyền thống như đèn lồng, mặt nạ giấy bồi, ông sao hay những chiếc đèn cù đơn sơ, chiếc trống mộc mạc nhưng mang đầy ý nghĩa. Chúng không chỉ đơn thuần là vật phẩm giải trí, vui chơi mà còn chứa đựng cả một bầu trời kỷ niệm và giá trị văn hóa không thể mờ phai.
Khác với mặt nạ của các nơi khác, mặt nạ làng Ông Hảo được làm thủ công từ những nguyên liệu đơn giản như giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế cùng hồ dán nấu từ bột sắn. Những người thợ khéo léo đã bồi chúng thành những chiếc mặt nạ sống động, ngộ nghĩnh.
Những người thợ khéo léo tạo ra những chiếc mặt nạ sống động, ngộ nghĩnh.
Những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế trong lòng người tiêu dùng bởi ưu điểm làm từ vật liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và được làm thủ công. Hơn nữa, mẫu mã ngày càng đa dạng, phong phú bởi sự sáng tạo không ngừng nghỉ nhờ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề.
Ngoài sản xuất các loại mặt nạ bồi giấy, làng Ông Hảo cũng được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Hình ảnh chiếc trống tròn tựa trăng Rằm tháng Tám luôn hiện hữu mỗi mùa Trung thu về.
Những chiếc trống nhỏ gắn liền với kí ức bao thế hệ trẻ thơ.
Ngôi làng nằm cách Hà Nội khoảng 30km này là một trong những làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống lâu năm và hiếm hoi ở miền Bắc. Những năm gần đây, bắt đầu từ khoảng tháng Bảy âm lịch, thương lái từ khắp nơi đã nườm nượp về làng để nhận hàng đưa ra thị trường. Để chuẩn bị hàng hóa, từ trước Rằm tháng Tám khoảng 2-3 tháng, những người thợ làng Hảo đã bắt tay vào thực hiện công đoạn hoàn thiện những đồ chơi thủ công cho đêm Trung thu.
Nhìn bề ngoài, mặt nạ giấy bồi có vẻ đơn giản, dễ làm nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, nghệ nhân phải tốn khá nhiều công sức với ba công đoạn gồm bồi thô, sơn vẽ và hoàn thiện đóng gói.
Với sự sáng tạo không ngừng, nhờ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề đã tạo ra vô số những loại mặt nạ, đồ chơi phong phú. (Ảnh: MT).
Đầu tiên là tạo hình mặt nạ bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, giấy vở cũ lên khuôn ximăng đúc sẵn (trước đây là khuôn bằng đất nung hoặc bằng gỗ). Mặt nạ thường được bồi thô ba lớp giấy, lớp trong cùng là lớp lót; lớp giữa bồi bìa carton và bên ngoài sẽ được bồi giấy trắng. Người thợ sẽ dùng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy này.
Bồi xong, mặt nạ được mang đi phơi khô tự nhiên từ 1-3 ngày tùy điều kiện thời tiết để giữ nguyên hình dạng. Để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi không quá khó nhưng đòi hỏi cần phải khéo léo, tỉ mỉ trên từng nét vẽ. Những chiếc mặt nạ phải mang lại thần thái, có được cái hồn của từng nhân vật. Người thợ sẽ nhấn vào các chi tiết râu, mắt..., sử dụng màu sắc tươi sáng, sinh động để tạo sự gần gũi, thân thuộc không chỉ với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích. Trong số các mặt nạ giấy bồi thì đầu sư tử làm khó hơn vì nhiều chi tiết cầu kỳ, nhưng giá thành cao hơn.
Đèn ông sao - thứ không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu.
Từng chiếc mặt nạ giấy bồi, từng tiếng trống rộn ràng, hay những đèn ông sao…và vô vàn các đồ chơi khác đều mang theo câu chuyện của một thời đã qua, làm sống dậy trong tâm hồn mỗi người những kỷ niệm đẹp đẽ và ý nghĩa. Qua đó, tình yêu dành cho truyền thống và văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng và phát triển, trở thành sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại, giữ vững bản sắc văn hoá của đất nước Việt Nam nói chung và phong tục Tết Trung thu truyền thống nói riêng.
Quỳnh Anh