Hoạt động của ngành

Phát triển Du lịch Tiền Giang qua văn hóa ẩm thực miệt vườn

Cập nhật: 20/02/2020 09:20:34
Số lần đọc: 1237
Du khách hiện đang ngày càng bị hấp dẫn bởi các món ăn dân dã, đặc sản vùng miền. Ẩm thực là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến đặc trưng và hấp dẫn cho Du lịch Tiền Giang, góp phần làm nên sự hài lòng cho du khách nhất là văn hóa ẩm thực miệt vườn đặc trưng riêng có nơi đây. Đây là cơ sở vô cùng quan trọng để thu hút, giữ chân du khách và phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho điểm đến Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hình ảnh điểm đến du lịch gắn với giá trị văn hóa ẩm thực miệt vườn

Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển không ngừng của thế giới, du lịch trở thành nhu cầu của mọi người và ăn uống trở thành một yếu tố cực kỳ quan trọng trong mỗi chuyến tham quan, du lịch. Để cạnh tranh, các điểm đến phải thật sự ấn tượng, chinh phục, giành lấy tình cảm và mang đến sự hài lòng cho du khách bằng những bữa ăn thơm ngon, hấp dẫn. Để đạt được điều này, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng trong tâm trí của du khách một hình ảnh điểm đến thật khác biệt, độc đáo và tích cực so với các điểm đến khác về một điểm đến Tiền Giang với ẩm thực miệt vườn.

Văn hóa miệt vườn Tiền Giang giản dị, gần gũi và phóng khoáng với những sản vật đa dạng từ thiên nhiên, với dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa mang theo mỡ màu bồi đắp cho biết bao vườn cây say trái, cho ao bè cá lội tung tăng và tôm cá đầy khoang mỗi lần ngư dân thu hoạch trở về.

Không gian của miệt vườn là con đường làng thẳng tắp, với lũy tre làng rợp bóng mát đường quê, với cánh đồng lúa chín vàng ươm, thấp thoáng những cánh cò bay lả, bay la giữa trời chiều gió lộng… cùng với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với sự đặc trưng của hai mùa mưa, nắng mang đến sự khác biệt riêng cho vùng đất Tiền Giang, tạo nên một không gian văn hóa miệt vườn với sự hấp dẫn của ẩm thực nơi đây mà nếu tách rời khỏi không gian này thì chắc hẳn không thể tạo nên nét đặc sắc của hương vị ẩm thực văn hóa miệt vườn.

Giải pháp phát triển ẩm thực văn hóa miệt vườn trong việc tạo dựng hình ảnh điểm đến Tiền Giang

Để làm hài lòng du khách, không chỉ đảm bảo về các dịch vụ như tuyến điểm tham quan, khách sạn, nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên du lịch… mà hơn hết phải tạo sự thích thú và níu chân được họ quay lại bằng sự hấp dẫn của các món ăn tại điểm đến. Chính sức mạnh của ẩm thực mà cụ thể là ẩm thực mang đậm giá trị văn hóa miệt vườn sẽ là điểm nhấn quan trọng trong suốt hành trình tham quan của du khách và nâng cao giá trị hình ảnh của điểm đến Tiền Giang.

Một là, kết hợp không gian ẩm thực của văn hóa miệt vườn vào các chương trình du lịch. Bên cạnh các chương trình tham quan du lịch sinh thái truyền thống như: tham quan cơ sở nuôi ong mật, thưởng thức trà mật ong, đi xe ngựa, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, chinh phục cảm giác thích thú khi được khám phá những rặng dừa nước thiên nhiên bằng những chiếc xuồng chèo, thưởng thức trái cây và đờn ca tài tử, tham quan chợ nổi Cái Bè, chùa Vĩnh Tràng, trại rắn Đồng Tâm… có thể kết hợp chương trình du lịch sinh thái cuối tuần tại Thới Sơn và Cái Bè với các loại hình du lịch homestay, tát ao bắt cá, với các trò chơi dân gian, tham quan nhà vườn của người dân. Du khách có thể lưu trú tại đây, được người dân hướng dẫn cách làm bánh dân gian, cách trồng lúa, thu hoạch trái cây ngay tại vườn, cùng người dân chế biến các món ăn như: cá lóc nướng trui, chả giò, bánh xèo… tạo sự thích thú cho du khách khi được hòa nhập vào không gian của văn hóa miệt vườn Tiền Giang.

Hai là, đa dạng các món ăn và thiết kế không gian văn hóa miệt vườn tại các nhà hàng, khách sạn, các tuyến điểm ăn uống, các khu du lịch. Bên cạnh xây dựng thực đơn đa dạng món ăn đặc sắc vùng miền, cần thiết kế không gian theo hướng miệt vườn từ các vật dụng bằng mây, tre, lá, không gian mở gần gũi với thiên nhiên, có thể tạo nhiều tiểu cảnh như đống rơm, bờ ao, cầu khỉ… cho đến đội ngũ nhân sự phục vụ mặc trang phục áo bà ba để phục vụ khách.

Ba là, phát triển bền vững du lịch sinh thái, ẩm thực miệt vườn gắn kết với cộng đồng. Cần định vị lại hình ảnh của điểm đến Tiền Giang với các chương trình du lịch sinh thái đặc sắc, riêng biệt và hấp dẫn gắn kết cộng đồng với sự đặc trưng riêng biệt của ẩm thực miệt vườn Tiền Giang; cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, kiến thức và kỹ năng để những hộ dân cùng làm du lịch như các nhà vườn, homestay, các điểm ăn uống… ngày càng phát triển cơ sở đáp ứng tốt hơn cho du khách. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng “Phố ẩm thực” dành cho du khách với những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực miệt vườn.

Bốn là, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá cả dịch vụ. Quản lý, điều tiết giá cả các dịch vụ du lịch từ giá tour, giá tham quan…, nhất là vào mùa cao điểm; xử lý nghiêm sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả nhằm tránh xảy ra vi phạm về việc tăng giá quá cao vào các mùa cao điểm, gây sốt giá ảo trên thị trường, làm giảm giá trị của hình ảnh điểm đến.

Năm là, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ lao động, quản lý có tay nghề, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ; liên kết các cơ sở đào tạo để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ đầu bếp, quản lý, phục vụ bàn…; có những giải pháp gìn giữ và lưu truyền những bí quyết làm nên món ăn đặc trưng, gia truyền của địa phương; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp và nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương về vệ sinh an toàn thực phẩm; đào tạo đội ngũ quản lý có trình độ cao từ đại học và nhất là sau đại học về du lịch.

Sáu là, khai thác triệt để và sáng tạo các yếu tố nghệ thuật truyền thống vào không gian ẩm thực miệt vườn. Xây dựng hình ảnh điểm đến đặc trưng bằng các chương trình giao lưu đờn ca tài tử, cải lương, tạo điểm nhấn ấn tượng cho du khách khi đến Tiền Giang. Lồng ghép vào các buổi tiệc, gala của du khách các chương trình giao lưu, thưởng thức đờn ca tài tử, cải lương để du khách vừa được thưởng thức các món ăn dân dã hấp dẫn trong một không gian văn hóa miệt vườn vừa được thưởng thức những giai điệu tuyệt vời của đờn ca tài tử Nam Bộ.

Bảy là, những giải pháp mang tính bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch; tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn trong du lịch, tránh xảy ra bất kỳ trường hợp ngộ độc thực phẩm; phát triển hiệu quả các tổ chức du lịch địa phương; có chiến lược và kế hoạch thu hút vốn đầu tư cho ngành Du lịch của tỉnh...

Tám là, tăng cường xúc tiến, quảng bá cho ẩm thực văn hóa miệt vườn tạo nên một hình ảnh điểm đến Tiền Giang hấp dẫn, thu hút. Xây dựng chiến lược thị trường sản phẩm, phân khúc thị trường để có những chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp; chú trọng các phương tiện, hình thức quảng bá hiệu quả nhất tới thị trường trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể; xây dựng thương hiệu cho ẩm thực miệt vườn Tiền Giang, trái cây Tiền Giang…

Cùng với sự phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác hết những nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa ẩm thực miệt vườn đa dạng và hấp dẫn vốn có, Du lịch Tiền Giang sẽ tạo nên một hình ảnh điểm đến thật riêng biệt, ấn tượng và độc đáo.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Văn Xê, Lê Hồng Ân: Giải pháp phát triển Du lịch Tiền Giang – Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ
2. Trần Ngọc Thêm (2013), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hóa Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
3. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO): http://www.eunwto.org
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang: http://svhttdl.tiengiang.gov.vn và báo cáo Tổng hợp quy hoạch Phát triển du lịch Tiền Giang đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…

Nguồn: Tạp chí Du lịch

Cùng chuyên mục