Thanh Hóa: Tạo điểm nhấn từ sản phẩm du lịch mới
Không gian lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái ngập tràn sắc hoa.
Bởi vậy, vài năm trở lại đây, trong nỗ lực làm mới mình, Sầm Sơn đã từng bước tìm tòi và hướng đến xây dựng những sản phẩm du lịch mới, nhằm bổ trợ cho sản phẩm nghỉ dưỡng biển. Điển hình là carnival đường phố và lễ hội tình yêu (năm 2019). Nếu carnival là lễ hội đường phố phổ biến ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ; thì lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái lại đậm chất bản địa - dân tộc. Hòn Trống Mái – địa danh nổi tiếng với câu chuyện tình yêu đẹp, đã cảm hóa trời đất mà trở nên bất tử. Đó là chuyện về đôi vợ chồng trẻ đã sống chết bên nhau trong trận đại hồng thủy, khiến bầy Tiên khi du ngoạn trần gian động lòng cảm phục, liền cho hóa thành đôi chim đá, để được quấn quýt bên nhau trên núi cao và không bao giờ chịu cảnh lụt lội.
Gắn với câu chuyện tình yêu ấy còn là hệ thống cảnh quan, danh thắng đẹp và nhiều di sản giàu giá trị nằm trên dãy Trường Lệ. Trong đó, Hòn Trống Mái từ lâu đã trở thành điểm đến nổi tiếng. Hòn Trống Mái vốn được dân gian dùng để gọi tên hai hòn đá nằm chênh vênh cạnh nhau trên dãy Trường Lệ. Điều kỳ lạ là, mặc dù cái thế chênh vênh, tưởng chừng dễ nghiêng ngã, nhưng qua thời gian và sự mài mòn của thời tiết mưa nắng, chúng vẫn nằm cạnh nhau vô cùng bền bỉ. Trước sự kiên trì của đá hay bức tranh sự sống vô hạn của tự nhiên ấy, con người đã nhìn thấy trong đó những ý nghĩa nhân sinh to lớn về sự yên bình và hạnh phúc. Để rồi, cũng từ câu chuyện của đá, người ta đã thổi hồn vào đá mà dệt nên câu chuyện tình bất tử giữa mênh mang sóng nước. Cũng từ cái tích về Hòn Trống Mái mà lễ hội tình yêu mới càng có ý nghĩa.
Cách đây chừng 4, 5 năm, một làng chài nhỏ bé và khá hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam bỗng nhiên nổi tiếng rần rần trên truyền thông. Đồng thời, trở thành một trong những điểm tham quan, check–in hấp dẫn du khách, đặc biệt là giới trẻ. “Làng bích họa Tam Thanh” là từ khóa được chia sẻ nhiều nhất trong cẩm nang du lịch lúc bấy giờ, nhờ bởi những bức bích họa đẹp mắt, rực rỡ sắc màu và vô cùng sống động. Nghệ thuật bích họa (vẽ tranh lên các bức tường hay không gian công cộng), cũng đã “làm mới” cả không gian làng chài. Cùng với sự xuất hiện của làng bích họa Tam Thanh, nghệ thuật bích họa ngày càng thu hút được sự chú ý của công chúng và các họa sĩ trẻ. Các làng bích họa được thực hiện kỳ công, với những bức vẽ giàu tính nghệ thuật, ý tưởng độc đáo, mới lạ đã trở thành sản phẩm du lịch tạo được ấn tượng cho du khách.
Có lẽ, bằng cách nào đó mà khung cảnh và nhịp sống nơi làng chài ven biển, lại luôn có được sự phù hợp tuyệt vời với nghệ thuật bích họa. Điều này đã mở hướng cho Sầm Sơn trong việc ứng dụng để xây dựng sản phẩm du lịch mới. Và rồi, gần đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND, ngày 15/1/2020 về việc thực hiện Dự án Làng bích họa Trường Lệ, đường Trung Mới, phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn. Như tên gọi của nó, ý tưởng nghệ thuật của “Làng bích họa Trường Lệ” là hướng đến khai thác và làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống sinh hoạt của cư dân miền biển Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng. Hình thức thực hiện gồm tranh hội họa hiện thực và tranh hiện thực 3D, tranh trang trí, tranh Graffiti (nghệ thuật đường phố), nghệ thuật sắp đặt kết hợp tranh trang trí và tranh Graffiti.
Thông qua ngôn ngữ hội họa, bằng màu sắc, cảm quan và tài năng của người nghệ sĩ, các bức họa phải vừa bảo đảm được tính nghệ thuật, nhưng cũng vừa dễ hiểu, tươi sáng và đẹp mắt nhằm đáp ứng nhu cầu chụp ảnh của du khách. Đồng thời, đảm bảo sự hài hòa giữa giá trị nghệ thuật, với việc bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và không gian văn hóa của toàn bộ khu vực di tích và danh thắng Sầm Sơn. Theo dự kiến, làng bích họa Trường Lệ sẽ có chiều dài khoảng 700m, với diện tích dự kiến khoảng 1.808m2; bắt đầu từ Hòn Trống Mái – đền Cô Tiên, qua làng Trung Mới và đến ngã ba giao với đường Tô Hiến Thành. Với mục đích quảng bá những hình ảnh đẹp và tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho du lịch Sầm Sơn, hy vọng làng bích họa Trường Lệ sẽ trở thành điểm đến cuốn hút khách du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ giá trị di sản văn hóa.