Hoạt động của ngành

Bắc Giang tìm hướng đi mới để phát triển du lịch

Cập nhật: 19/02/2020 07:52:56
Số lần đọc: 867
Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Bắc Giang đã tích cực kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh liên kết với các địa phương và tìm hướng đi mới để phát triển du lịch. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.


Khu du lịch Suối Mỡ - Điểm đến ưa thích của nhiều du khách. Ảnh: Mộc Lan

Phóng viên (PV): Thưa ông, nói đến Bắc Giang, nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử. Ngoài thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh, Bắc Giang còn có những tiềm năng du lịch nào khác?

Ông Trần Minh Hà: Tỉnh Bắc Giang có 3 loại hình du lịch chính là: Văn hóa tâm linh, lịch sử-văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng. Hiện Bắc Giang có hơn 700 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trong đó có 103 di tích cấp quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Bắc Giang được du khách yêu thích như: Địa điểm chiến thắng Xương Giang, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch cộng đồng Bản Ven…

 PV: Có nhiều tiềm năng là vậy nhưng Bắc Giang vẫn được xem là “vùng trũng” của du lịch. Vậy tỉnh đã có cách làm gì để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển?

Ông Trần Minh Hà: Để thoát khỏi “vùng trũng” du lịch thì không thể một sớm một chiều. Tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển. Một trong những điểm nhấn của du lịch Bắc Giang là Tuần Văn hóa-Du lịch bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Trước năm 2017, lượng du khách đến với Bắc Giang chỉ đạt khoảng 200.000 đến 300.000 lượt thì đến năm 2019 đã đạt hơn hai triệu lượt; trong đó, khách quốc tế là hơn 32.000 lượt, tăng 33% so với năm 2018. Doanh thu từ các hoạt động lưu trú, lữ hành du lịch và các dịch vụ du lịch đạt khoảng 780 tỷ đồng.

Thời gian qua, Bắc Giang tổ chức nhiều chương trình khảo sát, giới thiệu tour du lịch, trong đó có mục tiêu tìm hướng phát triển tour du lịch mùa vải thiều Lục Ngạn. Trước đây, doanh nghiệp lữ hành du lịch Bắc Giang chủ yếu đưa người địa phương đi du lịch thì nay các đơn vị này đã tích cực phối hợp để đưa nhiều du khách trong và ngoài nước đến Bắc Giang. Việc đưa du khách lên Tây Yên Tử bằng xe buýt được triển khai hiệu quả. Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ tăng cường đầu xe, bảo đảm du khách di chuyển thuận lợi vào mùa lễ hội.

Những năm qua, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Bắc Giang, trong đó có Tập đoàn FLC với 6 dự án. Bên cạnh đó, sân golf Yên Dũng đã đưa vào hoạt động, sân golf Việt Yên đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, dự án sân golf Lục Nam và sân golf Lạng Giang cũng đang được đẩy mạnh. Nếu phát triển hệ thống sân golf tốt thì sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút du khách nước ngoài về với Bắc Giang.

Thời gian gần đây, điểm du lịch cộng đồng Bản Ven thu hút đông đảo du khách, nhất là khách du lịch Hà Nội dịp cuối tuần. Nhiều người về đây tổ chức vui chơi, cắm trại, đốt lửa trại… Hiện nay, các hợp tác xã du lịch ở Bắc Giang đang khai thác và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

PV: Khó khăn lớn nhất của du lịch Bắc Giang là hệ thống các cơ sở lưu trú vẫn còn hạn hẹp. Ngành du lịch Bắc Giang đã giải quyết vấn đề này ra sao?

Ông Trần Minh Hà: Từ năm 2015 đến nay, Bắc Giang tổ chức nhiều hội thảo du lịch, quy tụ không ít nhà đầu tư, các hãng lữ hành du lịch. Năm 2018, Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thu hút gần 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2019, đã có hơn 70 doanh nghiệp đến tìm hiểu, tìm hướng đầu tư vào du lịch Bắc Giang. Trong các cuộc hội thảo về du lịch ở Bắc Giang vẫn xảy ra tranh luận rằng, khách du lịch có trước hay cơ sở lưu trú có trước? Các hãng lữ hành du lịch cho rằng, phải có cơ sở lưu trú thì họ mới đưa du khách đến. Trong khi các nhà đầu tư thì lại khẳng định, phải có lượng du khách đủ và ổn định thì họ mới xây dựng các cơ sở lưu trú. Đây vẫn là một vấn đề cần có sự chung tay của các nhà đầu tư, các hãng lữ hành du lịch để phát triển theo xu thế kinh tế thị trường.

Những năm gần đây, các cơ sở lưu trú và hệ thống nhà hàng ở Bắc Giang có sự thay đổi rõ rệt. Nếu cách đây mấy năm, đến Tây Yên Tử, du khách phải đi tới 10km mới tìm được chỗ ăn, nghỉ thì nay khách sạn, nhà hàng rất sẵn. Công ty Tây Yên Tử dự kiến xây một khách sạn 5 sao nhằm hướng tới dịch vụ du lịch chất lượng cao. Hiện, chúng tôi đã tính tới phương án phục vụ du lịch chất lượng cao.

PV: Việc liên kết du lịch giữa các vùng lân cận là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Vậy Bắc Giang đã thực hiện liên kết du lịch như thế nào?

Ông Trần Minh Hà: Năm 2015, Bắc Giang tổ chức ký kết hợp tác, liên kết du lịch với Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Tuy nhiên, để gắn được phát triển du lịch thì chúng tôi đang làm việc rất cụ thể với TP Hà Nội, xác định nếu các công ty lữ hành ở TP Hà Nội về với Bắc Giang đã là thành công rồi. Với tỉnh Quảng Ninh, trước đây, chúng tôi có ký cam kết với huyện Hoành Bồ (nay sáp nhập vào TP Hạ Long), khi ở đó thời tiết xấu, ảnh hưởng của mưa bão thì sẽ đưa du khách đến với Bắc Giang. Nhiều du khách nước ngoài thích đến Bắc Giang để khám phá những điểm du lịch hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh nên chúng tôi sẽ chú trọng để phát triển loại hình du lịch này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục